Thứ Năm, 24/10/2024 18:24 CH
Dạy nghề nông nghiệp cho nông dân:
Nâng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập
Thứ Bảy, 20/02/2016 07:00 SA

Nông dân tham gia lớp học trồng nấm do Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức - Ảnh: T.TIÊN

Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) mở nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân của tỉnh. Qua đó, nông dân có thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nâng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

 

VIỆC LÀM THIẾT THỰC

 

Ông Đặng Thái Lành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Qua tìm hiểu thực tế, chi cục nhận thấy, tại nhiều vùng nông thôn, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân còn rất hạn chế. Nông dân chủ yếu sản xuất dựa vào thói quen, kinh nghiệm dân gian, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… vì vậy năng suất lao động không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các trung tâm dạy nghề cấp huyện tổ chức nhiều lớp dạy nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; trồng nấm, mía, sắn, tiêu; trồng và khai thác mủ cao su; trồng rau sạch; sơ chế và hấp sấy cá, mực… Riêng các địa phương ven biển, chi cục ưu tiên đào tạo nghề câu cá ngừ đại dương, đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng 4. Qua các lớp đào tạo này, bà con đã tiếp cận được hướng sản xuất tiên tiến, giúp nâng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

 

Theo bà Trần Thị Tình ở thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), gia đình bà có 5 sào ruộng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Sau mỗi vụ mùa, bà phải đi làm thuê để kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình, vừa vất vả lại không ổn định. Từ khi tham gia lớp dạy trồng nấm của huyện, bà về cải tạo lại chái hiên nhà trồng được 2.000 bịch phôi, bình quân mỗi tháng thu hoạch khoảng 150kg nấm, lãi hơn 3 triệu đồng. Bà Tình cho hay: Từ ngày có nghề trồng nấm, tôi không còn phải đi làm thêm nữa. Ngoài thời gian làm ruộng, tôi chuyên tâm trồng nấm và đầu tư nuôi thêm 2 con bò cái sinh sản. Hiện kinh tế của gia đình khá ổn định, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.

 

Tại các xã vùng miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhu cầu được học nghề nông nghiệp của người dân rất cao. Ông Ksor Hét, Chủ tịch UBND xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), cho biết: Toàn xã có khoảng 6.200 người, trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện thu nhập của người dân ở đây chủ yếu từ nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực là mía, sắn, cao su. Nhưng vì trình độ của người dân còn hạn chế nên năng suất sản xuất còn thấp. Thời gian qua, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho bà con. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu được đào tạo nghề nông nghiệp của người dân vẫn còn rất cao. Xã mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước quan tâm, mở thêm nhiều lớp dạy nghề phù hợp với thực tế sản xuất tại địa phương để giúp bà con có thêm kiến thức áp dụng vào canh tác, nâng hiệu quả sản xuất.

 

TĂNG HIỆU QUẢ KINH TẾ

 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, sau nhiều năm triển khai chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân đã phát huy hiệu quả đào tạo, mang lại nhiều kết quả khích lệ. Ông Nay Y Nghĩa ở buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), cho biết: Gia đình tôi có hơn 3ha đất rẫy, mỗi năm chỉ trồng được một mùa lúa rẫy ăn nước trời nên thu nhập bấp bênh, nghèo đói. Tôi được Nhà nước hỗ trợ tiền để đi học nghề trồng sắn, lúa nước và nuôi bò ở Trung tâm Dạy nghề huyện. Hoàn thành khóa học, tôi về cải tạo lại đất, trồng được 2,5ha sắn và mấy sào lúa nước. Sau khi thu hoạch sắn, lúa, tôi sử dụng các loại phụ phẩm rơm rạ, lá sắn ủ chua để bổ sung thức ăn cho bò. Từ khi biết áp dụng các kiến thức như làm đất, bón phân… vào trồng trọt, năng suất cao hơn hẳn. Bình quân, mỗi năm thu nhập của gia đình hơn 50 triệu đồng, chưa kể lúa, gạo lúc nào cũng chất đầy nhà, không lo bị đói như hồi trước nữa.

 

Còn theo Mí Loan ở buôn Ken, xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) thì sau khi tham gia lớp học chăm sóc và phòng trị bệnh cho trâu, bò, gia đình bà đã hiểu được tác dụng tích cực của việc tiêm phòng vắc xin, bổ sung thức ăn thô xanh cho bò. Từ đó, ngoài việc đưa bò lên rẫy để ăn cỏ tự nhiên, gia đình bà còn trồng thêm một sào cỏ để có thức ăn bổ sung, nấu thêm cháo cám, bắp cho bò uống, nên bò không bị đói, mau lớn. Bình quân mỗi năm, đàn bò của gia đình bà đẻ thêm được 7 con bê, cho thu nhập gần 150 triệu đồng.

 

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Đặng Thái Lành cho hay: Trong năm 2015, từ nguồn kinh phí hơn 2 tỉ đồng do ngân sách hỗ trợ, chi cục đã mở 48 lớp dạy nghề cho hơn 1.400 người dân ở các vùng nông thôn của tỉnh. Sau học nghề, người dân đã tự tạo việc làm bằng cách tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất cao hơn do biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Một số hộ gia đình thì chuyển sang trồng hoặc nuôi con mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Trong năm 2016, ngoài đào tạo những nghề nông nghiệp như trên, chi cục sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng có cấp chứng chỉ để ngư dân hành nghề. 

 

THỦY TIÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek