Thứ Sáu, 25/10/2024 00:35 SA
Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn:
Những kết quả khích lệ
Thứ Ba, 16/02/2016 14:00 CH

Một tuyến đường bê tông tại thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa - Ảnh: H.NHƯ

Sau gần 3 năm thực hiện, đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn đã đạt được những kết quả tích cực, làm thay đổi cơ bản bộ mặt khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiện vẫn còn nhiều địa phương có nhu cầu xin được tiếp tục thực hiện đề án. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, xung quanh vấn đề này.

 

* Sau gần 3 năm thực hiện đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn, Phú Yên đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

 

- Nghị quyết 75 của HĐND tỉnh (NQ75) về đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) Phú Yên giai đoạn 2013-2015 thực sự là chủ trương đột phá trong việc huy động sức dân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nếu đem so sánh với các nghị quyết về thực hiện xây dựng GTNT trước năm 2013 thì phần kinh phí hỗ trợ từ NQ75 thấp hơn. Tuy nhiên, sự đúng đắn trong cơ chế thực hiện (người dân đóng vai trò chủ đạo, Nhà nước chỉ hướng dẫn và hỗ trợ xi măng, ống cống và một phần kinh phí hỗ trợ bổ sung cho xã khó khăn) đã đem lại thành công ngoài mong đợi của các cấp, ngành quản lý. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện đề án, Sở GTVT đã cung ứng trên 237.600 tấn xi măng cho các địa phương, bê tông hóa trên 1.510km/8.465 tuyến (đạt 117% so với kế hoạch); vượt kế hoạch đề ra; hơn số lượng đã thực hiện trong 10 năm giai đoạn từ năm 2000-2012. Trong đó có 6/9 huyện đã thực hiện vượt kế hoạch đăng ký. Đến hết tháng 12/2015, 56/88 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (đạt tỉ lệ 61%), so với trước khi thực hiện đề án tăng 44 xã. Đến nay, đề án Bê tông hóa GTNT giai đoạn 2013-2015 đã mang lại một bộ mặt mới cho vùng nông thôn Phú Yên, phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi, kích thích sản xuất hàng hóa phát triển; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

* Theo ông, đâu là nguyên nhân đạt được thành công như vậy?

 

- Lúc khởi đầu đề án, nhiều địa phương vẫn còn nghi ngại tính khả thi nên số lượng đăng ký còn hạn chế với tổng chiều dài 140,95km/599 tuyến và nhu cầu xi măng là 23.278 tấn. Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng triển khai, với sự tích cực trong công tác tuyên truyền của các tổ chức chính trị xã hội và đặc biệt là hiệu quả mang lại đã làm thay đổi suy nghĩ của nhân dân. Chính nhờ chủ trương và cơ chế thực hiện đề án lấy người dân làm gốc, Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư và kinh phí, làm đòn bẩy để nhân dân tự thực hiện, nên đề án đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

 

Đề án đã phát huy dân chủ triệt để, mọi công việc đều do dân quyết định trên cơ sở định hướng và hướng dẫn của chính quyền. Nhân dân các địa phương đã đóng góp hơn 320 tỉ đồng (kể cả ngày công lao động), hiến hơn 250.000m2 đất và nhiều tài sản gắn trên đất để làm đường GTNT. Công tác giám sát cộng đồng và phương thức tổ chức thi công hoàn toàn do người dân chủ động đã phát huy hiệu quả cao, nhất là trong công tác quản lý nguồn tài chính và vật tư, hạn chế thấp nhất các hiện tượng tiêu cực, thất thoát.

 

* Bên cạnh những kết quả tích cực, đề án còn những hạn chế gì, thưa ông?

 

- Trong quá trình thực hiện đề án, công tác quy hoạch hệ thống GTNT còn nhiều bất cập, thiếu định hướng và chưa có giải pháp căn cơ về phát triển vùng nông thôn. Do đó quy mô xây dựng chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt, về lâu dài khó đảm bảo và

 

theo kịp với tốc độ phát triển ngày càng tăng của các phương tiện giao thông vận tải. Tiến độ thực hiện bê tông hóa tại các xã khu vực khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi (khu vực III) còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiến độ thực hiện đã đề ra. Các tuyến đường GTNT chỉ mới được quan tâm đầu tư bê tông hóa mặt đường theo hiện trạng của tuyến, các yếu tố kỹ thuật của tuyến đường chưa được quan tâm dẫn đến nhiều đoạn tuyến gấp khúc gây mất an toàn giao thông khi đưa vào sử dụng. Công tác bảo trì sau khi đưa các tuyến đường vào khai thác sử dụng chưa được các địa phương quan tâm, làm ảnh hưởng đến sự bền vững và khả năng khai thác của tuyến đường.

 

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những tồn tại không đáng kể và có thể khắc phục được trong quá trình đưa vào sử dụng. Sở GTVT đang phối hợp cùng các địa phương để cải thiện các tồn tại này; đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.

 

Phải nói thêm rằng, đề án Bê tông hóa GTNT đã kết thúc nhưng hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương đề nghị xin được tiếp tục thực hiện đề án. Vừa qua, HĐND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT rà soát lại số liệu cụ thể số kilomet tuyến đường cần bê tông hóa tại các địa phương để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định có thực hiện tiếp hay không trong quý I năm nay.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

HỒ NHƯ (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek