Thứ Sáu, 25/10/2024 06:24 SA
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2016:
Lạc quan và thách thức
Chủ Nhật, 07/02/2016 15:00 CH

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2015 khép lại với bức tranh kinh tế thế giới đan xen những mảng màu sáng - tối như: kinh tế Mỹ khởi sắc, đà tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, sự phục hồi ở Khu vực đồng Euro. Năm 2016, kinh tế toàn cầu dù có những tín hiệu lạc quan nhưng có sự phân hóa rõ rệt về mức tăng trưởng kinh tế giữa các nhóm nước...

 

TĂNG TRƯỞNG BÌNH THƯỜNG

 

Nền kinh tế thế giới năm 2016 có khả năng tăng trưởng mạnh hơn năm 2015 và gần xấp xỉ với các mức tăng trưởng trung bình dài hạn, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà kinh tế học được hãng tin Bloomberg khảo sát. Nhưng “vẫn chưa thể quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ toàn cầu”, IMF đã nhận định như vậy trong bản đánh giá triển vọng kinh tế hồi tháng 10 năm ngoái. Các nhà kinh tế học của IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,6%, tăng từ mức 3,1% trong năm 2015 và xấp xỉ mức trung bình 3,5% từ năm 1980-2014.

 

Có thể tóm tắt triển vọng năm tới theo quan điểm chủ lưu, Trung Quốc tiếp tục giảm tốc. Mỹ sẽ tiếp tục qua mặt các nước trong nhóm quốc gia giàu có. Biến số quan trọng nhất của năm 2016 là Trung Quốc, nơi tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa hàng năm đã giảm xuống dưới 7% trong quý III/2015 lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. IMF dự báo rằng tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 6,3% trong năm 2016, từ mức 6,8% trong năm 2015. Willem Buiter, Trưởng Ban Kinh tế toàn cầu của Citigroup, cảnh báo rằng do Nga và Brazil hiện đã suy thoái; sự sụt giảm mạnh tỉ lệ tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ kéo các thị trường mới trỗi dậy khác xuống theo. IMF dự báo Ấn Độ sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc, tăng tốc chút đỉnh với tỉ lệ tăng trưởng 7,5%, còn Mexico tăng 2,8%, Nigeria 4,3%, và Nam Phi chỉ đạt được tỉ lệ tăng sản lượng 1,3%.

 

Khác với nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế châu Âu và Nhật đều gặp những khó khăn định kỳ. Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức âm thậm chí trước khi năm 2016 bắt đầu và Ngân hàng Trung ương Nhật chuẩn bị mua thêm trái phiếu để giảm lãi suất dài hạn. Cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp tạm thời không còn là tin thời sự nổi bật. Sau khi quan sát thảm họa Hy Lạp từ xa, công dân Vương quốc Anh mừng là họ đã giữ lại đồng bảng Anh của mình. Vào tháng 10/2016, họ sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân về một nước đi triệt để hơn: rời hẳn EU.

 

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2016 do Conference Board công bố, tổ chức kinh tế này nhận định: Trong năm 2016, các nền kinh tế mới nổi sẽ có sự cải thiện đôi chút, có thể tăng trưởng 3,5% và tình hình sẽ theo chiều hướng tốt dần lên, đạt mức tăng trưởng trung bình 4% trong giai đoạn 2016-2020, trước khi quay đầu giảm xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2021-2025.

 

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI KINH TẾ VIỆT NAM

 

13 năm sau khi đưa ra ý tưởng đầu tiên, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á cuối năm 2015 đã chính thức khai sinh cộng đồng kinh tế thống nhất ở một khu vực đông dân và đa dạng hơn Liên minh châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận là Trung Quốc và Ấn Độ. Với tuyên bố chính thức ra đời và có hiệu lực từ ngày 31/12/2015, AEC sẽ làm gia tăng mạnh thu nhập và việc làm, giúp khu vực này có sức mạnh kinh tế lớn hơn để đương đầu với các nền kinh tế khổng lồ khác, GS Michael G.Plummer, Khoa Kinh tế quốc tế Đại học Johns Hopkins (Mỹ) tại Bologna, Ý, nhận định.

 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quốc tế, sau khi trở thành một thực thể pháp lý, AEC còn phải vượt qua một quãng đường dài để trở thành một cộng đồng kinh tế hoàn thiện và hiệu quả.

 

Hội nhập Cộng đồng ASEAN từ năm 2016 góp thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập TPP ở mức cao hơn. Như vậy sẽ có cả cơ hội và thách thức đan xen. Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các nước trong đàm phán TPP, bởi Việt Nam là quốc gia có thị trường đáng kể, có thể đem lại giá trị gia tăng tương đối lớn cho các nước tham gia đàm phán. Kể cả với Úc, Nhật Bản, Chile, New Zealand và Singapore, những nước đã có FTA với nước ta, việc Việt Nam vào TPP vẫn mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam chưa có nhiều cam kết với họ, ví dụ như dịch vụ và đầu tư. Đối với Việt Nam, việc tham gia vào TPP có thể đem lại một số tác động tích cực.

 

Đầu tiên, TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Thứ hai, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam.

 

Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu thuế nhập khẩu được hạ về mức 0% thì hàng dệt may và giày dép Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần trên thị trường các nước TPP, trong đó có thị trường Mỹ. Lợi ích thứ ba là cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn.

 

Bên cạnh các yếu tố tích cực trên, việc tham gia TPP cũng tiềm ẩn một số thách thức, trong đó được nói tới nhiều nhất là sức ép cạnh tranh. Thách thức này xuất phát từ việc giảm thuế nhập khẩu về 0%, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ trong khuôn khổ TPP. Trong thực tế, thách thức về sức ép cạnh tranh do giảm thuế nhập khẩu về 0% là có nhưng không lớn, bởi trong số 11 đối tác TPP hiện tại, nước ta đã có quan hệ FTA với 7 nước gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Úc, Chile, New Zealand, Nhật Bản.

 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt những “cơn gió ngược”, triển vọng kinh tế toàn cầu bị che phủ bởi nhiều rủi ro, bất ổn, mỗi quốc gia cần xây dựng cho mình lộ trình riêng, có những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hợp lý để vượt qua năm 2016 với nhiều bấp bênh, biến động đang chờ đợi.

 

HUỲNH NGUYỄN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek