Thứ Sáu, 25/10/2024 10:22 SA
Ứng phó với biến đổi khí hậu:
Cần hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững
Thứ Năm, 28/01/2016 15:00 CH

Mô hình thâm canh cây mía tăng năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: P.NAM

Từ năm 2013 đến nay, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi hơn 1.200ha đất lúa một vụ kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn đem lại thu nhập tăng hơn 4 lần. Từ kết quả này, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên đất trồng lúa giai đoạn 2016-2020.

 

HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG CẠN

 

Ngoài ứng phó với biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn được thực hiện theo lộ trình đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên với mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên một hécta đất trồng trọt đạt khoảng 110 triệu đồng. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng cạn phải được UBND cấp xã và huyện xác nhận; đồng thời đáp ứng các điều kiện chuyển đổi theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

 

Tùy theo từng loại cây trồng cạn, mức hỗ trợ giống cho 1ha đất gieo trồng từ 15-200kg, riêng cây dược liệu không quá 1 triệu đồng/ha. Ngoài ra, tùy theo đặc thù từng địa phương, nông dân còn được hỗ trợ các loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất như phân bón, nilon phủ bạt, thiết bị tưới nước tiết kiệm...

 

Theo Sở NN-PTNT, đơn vị này đang xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trên đất trồng lúa đem lại hiệu quả theo phương thức cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng lớn để chuyển giao kỹ thuật đến nông dân. Để thực hiện chính sách hỗ trợ này, UBND tỉnh trích ngân sách hơn 17,5 tỉ đồng. Trước mắt, trong năm 2016, nguồn này sẽ hỗ trợ nông dân chuyển đổi ít nhất 700ha đất lúa sang các loại cây trồng cạn. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương nhiều năm qua đã đem lại kết quả bước đầu. Từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 3.000ha cây trồng cạn ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

 

Phú Yên có diện tích lúa hàng năm trên 58.000ha, sản lượng trên 360.000 tấn. Nhiều năm qua, giá lúa luôn ở mức thấp, sản xuất lúa đạt hiệu quả không cao, người nông dân có lãi ít hoặc không có lãi, chưa trở thành sinh kế chính của họ. Theo chủ trương của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, trong Chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vấn đề trọng tâm là “nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất sản xuất và hướng đến sản xuất bền vững”. Vì vậy, chính sách hỗ trợ chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn ngắn ngày như bắp, đậu phộng, đậu xanh, đậu tương, cây dược liệu… vừa gia tăng hiệu quả đầu tư, giảm đầu tư công vào công trình thủy lợi, vừa giảm bớt áp lực cho người trồng lúa nhưng vẫn giữ ổn định và sử dụng linh hoạt đất trồng lúa trong tỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

THÂM CANH CÂY MÍA THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

 

Để đạt năng suất mía trung bình lên 80 tấn/ha vào năm 2020, ngoài việc triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân, Phú Yên đang triển khai nhiều mô hình thâm canh tăng năng suất qua việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng các giống cây trồng mới năng suất cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón chuyên dùng, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cây mía theo quy trình kỹ thuật…

 

Trong đó có mô hình thâm canh cây mía tăng năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa do Sở TN-MT phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty TNHH Hoàng Long Vina, cùng các ngành liên quan và chính quyền địa phương thực hiện. Mô hình được triển khai từ năm 2014 trên diện tích 15ha của 8 hộ dân ở 5 thôn của xã Sơn Phước (mỗi hộ từ 1,4-3ha). Đây là những diện tích có điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa, giới thiệu mô hình và tưới nước; trong đó có 3ha không có điều kiện nước tưới để so sánh và đưa ra giải pháp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Hiện mía chuẩn bị cho thu hoạch, năng suất ước đạt từ 75-80 tấn/ha. Đây là cơ sở để xã Sơn Phước nhân rộng mô hình ra toàn xã, đưa năng suất cây mía bình quân lên trên 70 tấn/ha vào năm 2017. “Những năm trước đây, mía chỉ đạt từ 65-70 tấn/ha. Nếu đầu tư, chăm tóc tốt hơn, năng suất có thể nâng lên 100 tấn/ha, mía đạt 10 chữ đường. Mô hình giúp ứng phó với nắng hạn vì có hồ bơm tưới và giữ độ ẩm cho đất tốt”, ông Phạm Ngọc Huệ, người trồng 1,9ha mía ở thôn Tân Bình, xã Sơn Phước, nói. Còn ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT), cho biết: Mô hình đã làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân, chống xói mòn, trôi rửa đất, tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, góp phần thực hiện tiến trình đưa năng suất mía bình quân toàn tỉnh lên 80 tấn/ha vào năm 2020, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh mía đường trong thời kỳ hội nhập.

 

PHƯƠNG NAM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek