Rượu Quán Đế là loại rượu được các làng nghề ở 2 xã Xuân Lộc, Xuân Bình (TX Sông Cầu) nấu theo phương pháp cổ truyền. Nhằm bảo vệ, phát triển thương hiệu Rượu Quán Đế, các cơ quan chức năng đã xây dựng cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và thành lập một tổ chức để cùng nhau giữ gìn giá trị truyền thống cũng như khai thác giá trị kinh tế của sản phẩm này.
Sau một thời gian triển khai, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cùng Sở KH-CN Phú Yên đã hoàn thành việc đăng ký Nhãn hiệu tập thể (NHTT) Rượu Quán Đế dùng cho sản phẩm rượu truyền thống của TX Sông Cầu và vừa tổ chức công bố NHTT này. Đây là cách sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ (SHTT) để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người sản xuất rượu Quán Đế.
Rượu Quán Đế được bày bán tại Cảng Hàng không Tuy Hòa - Ảnh: Q.HÒA |
SỰ LỰA CHỌN PHÙ HỢP
Theo những người dân ở làng nghề sản xuất rượu Quán Đế, rượu này nổi tiếng từ lâu do có hương vị thơm, dịu, ngọt. Rượu được chế biến thủ công, từ khâu xử lý nguyên liệu được nấu trong nồi đồng đơn giản, công đoạn cho men giống được trộn bằng tay. Giai đoạn lên men được ủ trong chén sành thô sơ, sau 4-5 ngày thì cho vào nấu, bằng lò củi hoặc lò trấu người dân tự đắp lấy. Hơi rượu ngưng tụ được dẫn bằng ống tre nứa và hệ thống giải nhiệt bằng bồn nước xi măng tự xây hay trong các bọng giếng đất. Rượu làm ra được chiết bằng tay vào trong can nhựa hoặc chai lọ, không sử dụng dụng cụ kiểm tra nồng độ cồn mà chỉ thử bằng cảm quan. Chính vì rượu được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, mang tính truyền thống, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm cũng như không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nên sản phẩm rượu Quán Đế của TX Sông Cầu dễ bị các loại rượu kém chất lượng trà trộn, nồng độ rượu không đồng nhất. Lâu nay, rượu Quán Đế chủ yếu tiêu thụ ở địa phương chứ chưa thể phân phối rộng rãi trên thị trường.
Nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu, qua đó góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, việc bảo hộ quyền SHTT cho rượu Quán Đế được đặt ra vô cùng cấp thiết. Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm dự án này, cho biết: Trong các hình thức bảo hộ quyền SHTT, việc đăng ký bảo hộ sản phẩm rượu Quán Đế dưới hình thức NHTT là hợp lý, có tính khả thi và mang lại hiệu quả hơn cả. Nếu xét về mặt pháp lý, về yếu tố văn hóa - xã hội, về kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm và khả năng phát triển thương hiệu, việc đăng ký bảo hộ NHTT Rượu Quán Đế không quá phức tạp, tốn kém và phụ thuộc nhiều vào đơn vị chuyên môn. Thời gian tiến hành từ khi đăng ký đến khi được bảo hộ cũng ngắn hơn so với nhiều đối tượng khác (như nhãn hiệu chứng nhận hay chỉ dẫn địa lý). Đặc biệt, việc quản lý NHTT sau khi được Cục SHTT bảo hộ chủ yếu do tập thể các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước không tham gia nhiều vào công tác này. Do vậy, có thể khẳng định việc nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho NHTT Rượu Quán Đế là sự lựa chọn phù hợp với những điều kiện khách quan ở địa phương, là bước thực hiện đầu tiên song vô cùng quan trọng và chắc chắn trong tiến trình phát triển thương hiệu Rượu Quán Đế trên thị trường mà không làm mất đi giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của người dân Phú Yên.
CÔNG BỐ NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Từ tháng 9/2013 đến nay, Sở KH-CN Phú Yên và Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nấu rượu và hoàn thiện các thủ tục để xây dựng NHTT Rượu Quán Đế. Các bên liên quan thống nhất để Hội Nông dân TX Sông Cầu đứng tên đăng ký NHTT và tổ chức quản lý việc sử dụng NHTT. Sau đó, các đơn vị tiếp tục thiết kế, lựa chọn mẫu NHTT chứa đầy đủ các dấu hiệu nhận biết thể hiện tính đặc trưng của sản phẩm, vùng địa danh để đăng ký bảo hộ quyền SHTT; đảm bảo sự thuận tiện khi in ấn trên tem, nhãn, bao bì sản phẩm, phù hợp khi sử dụng rượu Quán Đế và đảm bảo tính hữu dụng của NHTT sau khi được đăng ký. Bên cạnh đó, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa còn phối hợp với các đơn vị liên quan cùng chính quyền địa phương, người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xây dựng quy chế sử dụng NHTT. Trong đó quy định các tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành thành viên của Hội Nông dân TX Sông Cầu là có sản xuất, kinh doanh tại làng nghề, có nhu cầu tham gia hội, cam kết sẵn sàng tham gia và tuân thủ mọi hoạt động của hội, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mang NHTT Rượu Quán Đế… Quy chế cũng nêu lên các điều kiện sử dụng NHTT là thành viên của hội, có quy mô sản xuất tối thiểu theo quy định; sản xuất tuân theo quy trình kỹ thuật được thống nhất giữa các thành viên của hội, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hoài, sau khi được Cục SHTT xác nhận quyền SHTT và cấp giấy chứng nhận NHTT Rượu Quán Đế, trong tháng 9/2015, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã phối hợp với Hội Nông dân TX Sông Cầu công bố NHTT Rượu Quán Đế dùng cho sản phẩm rượu của thị xã. Nhãn hiệu này thuộc sở hữu tập thể, do Hội Nông dân TX Sông Cầu làm đại diện chủ sở hữu và đứng ra quản lý. Để được sử dụng nhãn hiệu, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu phải là thành viên của hội Nông dân; đồng thời phải cam kết sản xuất rượu theo quy trình truyền thống, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Hiện TX Sông Cầu có hơn 100 hộ sản xuất rượu Quán Đế và 4 hộ được cấp giấy chứng nhận khai thác NHTT Rượu Quán Đế.
Bài 2: Quảng bá Nhãn hiệu tập thể Rượu Quán Đế
THANH HOÀI - QUÝ HÒA