Theo thống kê của Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Phú Yên, năm 2015, trong số 21 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới theo 19 tiêu chí, thì trường học (tiêu chí số 5) có đến 12 xã kiến nghị cần được đầu tư để đạt chuẩn; cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) có đến 10 xã kiến nghị cần bố trí vốn đầu tư để đạt chuẩn. Đây được xem là các tiêu chí “nặng ký” mà các xã khó đạt được.
Xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2015, muốn vậy phải đạt tiêu chí về trường học. Trong ảnh: Hoạt động dạy và học tại Trường tiểu học số 2 Hòa Bình 1 - Ảnh: K.HÀ |
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TIÊU CHÍ “NẶNG KÝ”
Năm 2015, TP Tuy Hòa có ba xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Hòa Kiến, Bình Ngọc và An Phú. Đến nay, xã Hòa Kiến đạt 15 tiêu chí, còn bốn tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trường học. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã đang xây dựng mới nhà văn hóa xã và hai điểm sinh hoạt văn hóa thôn Sơn Thọ, Quan Quang. Đối với tiêu chí trường học, xã đang mở rộng diện tích, đầu tư mua sắm cơ sở vật chất Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân.
Còn xã Bình Ngọc đến nay đạt 16 tiêu chí, còn ba tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Xã đang có kế hoạch xây dựng nhà văn hóa quy mô 250 chỗ ngồi và khu thể thao của xã từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tương tự, xã An Phú cũng đã đạt 15 tiêu chí, còn bốn tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Theo ông Nguyễn Ngọc Tứ, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, chỉ tính riêng tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trường học thì nhu cầu nguồn vốn gần 9 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 5,9 tỉ đồng. UBND TP Tuy Hòa cố gắng cuối năm 2015, các xã đăng ký về đích hoàn thành các tiêu chí còn lại đúng kế hoạch.
Trong năm 2015, ba xã của huyện Tây Hòa đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới là Hòa Tân Tây, Hòa Phong và Hòa Bình 1. Trong đó, xã Hòa Phong còn hai tiêu chí chưa đạt là trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Đối với tiêu chí trường học, xã cần đầu tư phòng học, trang thiết bị điểm, gồm: Trường mầm non thôn Mỹ Thạnh Trung 2, Trường tiểu học số 2 và xây dựng hai nhà văn hóa thôn. Dự kiến kinh phí thực hiện 18 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 11,7 tỉ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 2,2 tỉ đồng, ngân sách cấp xã và huy động nguồn vốn khác 2,3 tỉ đồng, còn lại dân đóng góp… Theo ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa: Trong ba xã đăng ký về đích, đối với xã Hòa Phong có hai tiêu chí “nặng ký” chưa đạt. Hiện nay, xã triển khai xây dựng 30 phòng học, cố gắng chạy nước rút; tuy nhiên do thi công không kịp nên dự kiến sang năm 2016 mới hoàn thành. Vì vậy cuối năm 2015, chỉ có xã Hòa Bình 1 và Hòa Tân Tây về đích nông thôn mới.
Trạm Y tế xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) vừa được đầu tư xây dựng - Ảnh: M.H.NAM |
PHẤN ĐẤU VỀ ĐÍCH
Năm 2015, các xã Xuân Lộc, Xuân Cảnh và Xuân Hải của TX Sông Cầu đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Để được công nhận nông thôn mới, xã Xuân Lộc cần xây dựng 10 phòng học mới, đầu tư mua bàn ghế, trang thiết bị cho 14 phòng học của Trường THCS Bùi Thị Xuân; đồng thời nâng cấp Trường tiểu học Xuân Lộc 3. Còn xã Xuân Hải để đạt tiêu chí trường học cần đầu tư xây dựng Trường mầm non Xuân Hải giai đoạn 2, xây dựng cổng tường rào Trường THCS Tô Vĩnh Diện. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hải, cho hay: “Xã phấn đấu cuối năm 2015 sẽ hoàn thành thêm năm tiêu chí; cơ sở vật chất trường học, chợ, y tế, thu nhập và hệ thống chính trị. Để đạt tiêu chí cơ sở vật chất trường học, xã đầu tư nâng cấp trường mầm non, Trường THCS Tô Vĩnh Diện và Trường tiểu học số 2 đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Còn tiêu chí chợ thì trên cơ sở vốn trái phiếu Chính phủ và vốn huy động từ quỹ đất trong khu quy hoạch chợ từ các hộ kinh doanh, xã tiến hành xây dựng chợ với kinh phí trên 2 tỉ đồng.
Qua thực tế cho thấy, chính những tiêu chí khó thực hiện nhất lại làm thay đổi diện mạo nông thôn. Nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới các xã đã và đang thực hiện, đường giao thông được mở rộng, bê tông hóa khang trang không chỉ tạo diện mạo mới cho nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển. Các công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… được xây mới, tu sửa với đầy đủ trang thiết bị, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Đây là những tiêu chí thuộc nhóm cần nhiều vốn đầu tư.
Theo ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thực tế xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thời gian qua cho thấy, hầu hết các xã đều tập trung hoàn thành các tiêu chí “trong khả năng” và ít tốn kinh phí. Một số tiêu chí đòi hỏi nhu cầu nguồn vốn lớn như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa... tỉ lệ đạt rất thấp và chưa mang tính bền vững. Một số xã phản ánh, với năng lực hiện có, các xã chỉ có thể phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi; còn các tiêu chí khác như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn… cần có sự tiếp sức từ ngân sách nhà nước. Huyện đang chỉ đạo các xã tập trung nhân vật lực, huy động nguồn lực chung sức chung lòng phấn đấu để Ea Ly và Sơn Giang về đích đúng theo kế hoạch.
Còn ông Lê Ngọc Tính, Quyền chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Huyện có đến năm xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2015. Nhận diện được những khó khăn trong việc thực hiện chương trình này, nên các xã đã chủ động lên kế hoạch, vận dụng linh hoạt các giải pháp để từng bước hoàn thiện 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí trường học. Hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2018, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới, nên trong thời gian đến, huyện tập trung phát triển toàn diện về hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng chất đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc
“Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, các xã tiếp tục rà soát bộ tiêu chí và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm. Về giải pháp thực hiện tiêu chí số 5 và số 6, tùy theo tình hình địa phương để vận dụng linh hoạt và tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đối với tiêu chí số 6, các địa phương cần triển khai thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa các công trình sẵn có để sử dụng chung, nhằm tiết kiệm kinh phí, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ theo tiêu chuẩn của ngành về trang thiết bị, thiết chế văn hóa… để sử dụng đúng mục đích và đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của nhân dân. Các địa phương khi áp dụng giải pháp lồng ghép phải ban hành quy chế phối hợp rõ ràng, công khai để thuận tiện trong quá trình sử dụng và đảm bảo việc quản lý tài sản chặt chẽ, tránh tình trạng sử dụng tùy tiện và nhiều chủ không ai có trách nhiệm. |
MẠNH HOÀI NAM