Ngành dệt may được đánh giá là một trong những lĩnh vực có những tác động lớn nhất sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực.
Để tận dụng được ưu đãi mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành dệt may của Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các quy định chung; trong đó, quy định về xuất xứ hàng hóa là thách thức lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp dệt may.
Không chỉ là cơ hội
Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, nếu tất cả các FTA hiện nay và sắp tới của Việt Nam chính thức có hiệu lực, khoảng 80% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tới Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế quan, tạo lợi thế đáng kể so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác.
Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ các FTA, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ; trong đó, thách thức lớn nhất là phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Nếu như trong hiệp định ASEAN với các nước (trừ Hàn Quốc), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đều có quy tắc xuất xứ từ vải, với TPP, quy tắc xuất xứ là từ sợi.
Trong khi đó, hầu hết nguyên liệu sợi, vải phục vụ cho ngành dệt may Việt Nam phải nhập từ nước ngoài, phần lớn là từ Trung Quốc (không phải là thành viên của TPP). Do đó, nếu không sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc các nước trong TPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó có thể được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu hàng sang Mỹ và các nước trong TPP.
Bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần chú ý để hàng hóa được hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng theo các FTA chính là quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nếu không đảm bảo yêu cầu này, doanh nghiệp cũng phải chịu mức thuế như bình thường.
Quy tắc xuất xứ luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các FTA. Đây là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không, giúp duy trì sự cân bằng hợp lý giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”, đo mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA của các nền kinh tế thành viên.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, trong năm 2014, Việt Nam nhập các loại nguyên liệu thô như bông, sợi polyester, sợi viscose để sản xuất được trên 900.000 tấn sợi. Tuy nhiên, do khâu đoạn sản xuất vải trong nước chỉ hấp thụ được khoảng 300.000 tấn nên số sợi còn lại dành cho xuất khẩu.
Trong khi đó, hằng năm ngành dệt may cần khoảng 8,7 tỉ mét vải nhưng với năng lực và công nghệ yếu, nên Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 3 tỉ mét vải/năm. Như vậy, để hiện thực hóa được lợi thế về thuế quan trong các FTA, Việt Nam phải nhanh chóng bổ sung năng lực sản xuất gần 6 tỉ mét vải/năm. Con số này chỉ mới xét tới nhu cầu hiện tại chứ chưa tính đến sự tăng trưởng của dệt may Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết nút thắt “cổ chai” chính là ở khâu đoạn sản xuất vải. Ngành sợi của Việt Nam nếu dồn vào tập trung sản xuất cho các doanh nghiệp dệt nội địa vẫn còn đến thiếu 2/3 khối lượng sợi nữa. Nếu ngành dệt được đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu cũng như đầu tư mới tăng thêm, ngành may cũng gia tăng tuyển dụng đào tạo thì bài toán sẽ cơ bản được giải quyết.
Bài toán nguyên phụ liệu
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2014, doanh thu xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 24 tỉ USD, dự báo năm nay sẽ là 28 tỉ USD. Tuy tăng trưởng ấn tượng song có một thực tế là tỉ lệ nguyên liệu và phụ liệu nội địa còn hết sức khiêm tốn, chỉ đạt 55%. Tỉ lệ này chưa cao chủ yếu là ở khâu đoạn dệt nhuộm còn yếu kém, khiến cho việc sản xuất sợi dệt nhuộm hạn chế theo.
Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH In Printech của TP Hồ Chí Minh, cho biết trong vài năm gần đây, cũng đã có một số công ty quan tâm đến việc tự sản xuất nguyên liệu đầu vào, nhưng thực tế cho thấy, công nghệ của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất mực, một số công ty trong nước đã sản xuất được loại mực có chất lượng tương đương với mực của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những loại mực đáp ứng được tiêu chuẩn cao của châu Âu thì Việt Nam mới đang trong giai đoạn nghiên cứu. Nhiều doanh nghiệp muốn làm nhưng còn thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên đành "bó tay".
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may về nguyên phụ liệu, các chuyên gia của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng Nhà nước nên khuyến khích các nhà đầu tư chọn đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn thiếu và yếu, nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng giá trị sản xuất tại Việt Nam (từ vải thô, chưa tẩy trắng thành vải hoàn thiện).
Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp dệt may đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa tới các nước thành viên trong các FTA, mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần kỹ thuật công nghệ Nhất Tín, chuyên cung cấp thiết bị và các giải pháp công nghệ cao cho ngành dệt may cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên tập trung phát triển các khâu đoạn thế mạnh của mình. Bên cạnh đó hướng tới chủ động xây dựng các chuỗi khép kín, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.
“Bài toán hóc búa này đã được đặt ra từ nhiều năm trước cho sự phát triển hiệu quả và bền vững của ngành dệt may Việt Nam. Hiện nay trong chuỗi cung ứng dệt may ít đơn vị nào làm được tất cả các khâu từ sợi đến sản phẩm may mà phải chuyên môn hoá, mỗi đơn vị thực hiện một công đoạn. Đã có một số đơn vị thực hiện được chuỗi khép kín như Dệt Nam Định, Dệt Thành Công, Dệt 8/3…, tuy nhiên xét về cả quy mô lẫn chất lượng vải cũng chưa đạt yêu cầu”, bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định.
Thực tế, đã có một luồng đầu tư mạnh mẽ từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước để thiết lập chuỗi cung ứng khép kín từ sợi tới may. Tuy nhiên, theo bà Đặng Phương Dung, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai. Hầu hết các địa phương từ chối các dự án đầu tư sản xuất vào dệt nhuộm do lĩnh vực này gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Việt Nam phải có hạ tầng khu công nghiệp tốt như quỹ đất lớn, hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước sạch. Đồng thời, những doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nếu được hoạch định về địa điểm đầu tư tốt, sẽ có được sự tập trung hóa quản lý các dự án đầu tư dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm.
"Việt Nam cần một quy hoạch phát triển dệt nhuộm tại các địa phương thích hợp. Việc hình thành những cụm công nghiệp dệt nhuộm sẽ giúp tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm thiểu chi phí, giải quyết phần nào bài toán về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam,” ông Nguyễn Hồng Giang nhấn mạnh.
Theo Vietnam+