Ea Lâm là xã nghèo của huyện miền núi Sông Hinh. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
Toàn xã Ea Lâm có hơn 500 hộ dân; trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 96%, sinh sống ở 5 buôn. Hạ tầng cơ sở trong xã được thụ hưởng nguồn vốn từ Chương trình 135, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia… Nhờ đó, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của xã.
Tại xã Ea Lâm, không riêng gì tuyến đường chính mà các tuyến đường tới các buôn cũng đang được bê tông hóa. Theo UBND xã Ea Lâm, tuyến đường chính của xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa 100%, với chiều dài 4,45km. Đường thôn, xóm được bê tông hóa đạt tỉ lệ 71%. Ngoài ra, xã Ea Lâm đã cứng hóa được 2,8km đường nội đồng, đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận lợi. Người dân rất phấn khởi khi các tuyến đường được nâng cấp. Mí Liên ở buôn Bưng B, nói: Đường có rồi nên mọi hoạt động từ đi chơi, đi chợ hay đi làm rẫy đều dễ dàng.
Đồng bào yên tâm lắm, chẳng còn lo trơn trượt hay bụi bặm nữa. Đường mở ra, xe tải chở hàng từ đồng bằng tới buôn thường xuyên hơn. Ngày trước phải đi xa cả cây số mới mua được gói bánh, gói kẹo, giờ muốn mua gì có nấy.
Có được kết quả đó, ngoài sự đầu tư của Nhà nước còn có sự đóng góp của nhân dân trong xã. Oi Mai, Trưởng buôn Bưng A, cho biết: 1km đường trong buôn được bê tông hóa, có sự góp công, góp của của từng hộ dân. Tính trung bình, người dân đã góp 7 ngày công/năm/hộ và tổng số tiền gần 8 triệu đồng/năm. Những điển hình hiến đất như Ma Đương, Mí Bíp, Ma Le hiến 500m2 đất để đường trong buôn được nắn thẳng. Ngoài ra, 11 hộ dân đã tự nguyện hiến 1,8ha đất để xây dựng công trình đường nội đồng và mương thủy lợi.
Việc xây dựng các tuyến đường, ngoài phục vụ đi lại của nhân dân còn tạo ra sự hỗ trợ tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế chung của xã. Đó là tuyến đường từ buôn Bai đi vào khu sản xuất giáp đồi 75, dài 1,2km. Tuyến đường này có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế, nằm trong quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của xã.
Bên cạnh đó, công trình trung tâm văn hóa - thể thao của xã, với kinh phí đầu tư hơn 800 triệu đồng, từ nguồn vốn Chương trình 135 cũng đã hoàn thành. Tại các buôn, nhà văn hóa cũng được xây dựng. Bà Ma Thị Liên, Phó chủ tịch UBND xã Ea Lâm, cho biết: Bốn nhà văn hóa tại bốn buôn là buôn Học, buôn Gao, buôn Bai và buôn Bưng B trong xã đều được xây mới và hoàn thiện các hạng mục công trình phụ trợ xung quanh. Trong đó, kinh phí cho phần xây mới từ nguồn vốn của dự án Flitch, còn các hạng mục công trình phụ trợ là từ nguốn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự kiến, trong năm nay, các công trình này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ sinh hoạt cộng đồng của bà con tại các buôn.
Trong năm qua, xã Ea Lâm còn được đầu tư nâng cấp công trình nước sạch tập trung với công suất 500m3/ngày, đêm. Hiện nay, toàn xã có 510 hộ sử dụng nước sạch, chiếm tỉ lệ 95%. Anh Ma Thanh ở buôn Gao, phấn khởi cho hay: Nhờ có nước sạch nên gia đình tôi không còn phải sử dụng nước giếng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày nữa. Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh, phát triển sản xuất được hoàn thành. Các công trình này không chỉ giúp bộ mặt thôn, buôn và toàn xã thay đổi mà còn giúp người dân có cơ hội đẩy lùi cái đói cái nghèo, nâng cao đời sống. Với phương châm ưu tiên đầu tư vào các công trình phục vụ phát triển kinh tế, trong thời gian tới, UBND xã Ea Lâm tiếp tục sử dụng nguồn vốn hỗ trợ 8 tỉ đồng để triển khai công trình trạm bơm buôn Học phục vụ tưới cho khoảng 80ha canh tác cây lương thực.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm |
BẠCH VÂN