Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh vận tải phát triển tương đối nhanh, nhất là khu vực tư nhân. Tuy nhiên, việc quản lý và thu thuế đối với lĩnh vực này vẫn chưa sát với tình hình thực tế. Trao đổi với Báo Phú Yên về những khó khăn trong việc quản lý thu thuế lĩnh vực kinh doanh vận tải, ông Công Văn Lãnh, Phó cục trưởng Cục Thuế Phú Yên, cho biết:
Ông Công Văn Lãnh - Ảnh: V.AN |
- Cách đây hơn hai năm, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 06/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Theo đó, ngành Thuế Phú Yên chủ động phối hợp với các ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp phối hợp quản lý thu thuế. Dựa trên danh sách phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh do Cục Thuế Phú Yên cung cấp, các chi cục thuế địa phương đã rà soát, đối chiếu, phân loại đầu xe của doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh để đưa vào quản lý. Qua kiểm tra, rà soát, ngoài số lượng xe được lập bộ quản lý, ngành Thuế còn xử lý vi phạm, đưa vào quản lý thuế ổn định một lượng đầu xe nhất định. Cụ thể, năm 2013, ngành Thuế xử lý vi phạm và đưa vào lập bộ quản lý 104 chiếc, truy thu và phạt hơn 1,1 tỉ đồng; năm 2014 đưa vào lập bộ quản lý 113 chiếc, truy thu và phạt gần 770 triệu đồng; từ đầu năm 2015 đến nay đưa vào lập bộ quản lý 26 chiếc, truy thu và phạt gần 1,2 tỉ đồng. Đây chỉ là một số kết quả nhất định, phản ánh sự nỗ lực của ngành Thuế và các đơn vị liên quan trong thời gian qua chứ chưa thể chống thất thu thuế hoàn toàn đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải.
* Những khó khăn mà ngành Thuế và các cơ quan liên quan gặp phải khi thực hiện Chỉ thị 06/CT-UBND là gì, thưa ông?
- Khó khăn thì nhiều nhưng chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật thuế của hộ kinh doanh chưa nghiêm. Lợi dụng tính chất và đặc thù của ngành vận tải là cơ động, không có địa điểm kinh doanh, luồng tuyến cố định nên nhiều trường hợp không đăng ký thuế, trốn tránh nghĩa vụ thuế. Hầu hết các phương tiện vận tải tư nhân đều lợi dụng việc đăng ký với cơ quan đăng kiểm cấp tem vàng (sử dụng cho gia đình, không tham gia kinh doanh để không đăng ký thuế), trong khi cơ quan thuế không có đủ điều kiện và lực lượng để xác minh. Thêm vào đó, do địa bàn rộng, số lượng xe nhiều nhưng đa số là phương tiện kinh doanh không chính chủ, xe mua bán qua nhiều chủ, không đăng kiểm, xe chuyên chở nông sản theo thời vụ còn phổ biến tại một số địa phương… nên công tác xử lý vi phạm của cơ quan thuế gặp khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp trong công tác quản lý thu thuế, quản lý phương tiện vận tải và kiểm tra, xử lý thuế giữa các ngành Thuế, Đăng kiểm, Công an và UBND các địa phương chưa chặt chẽ, không thường xuyên, thiếu đồng bộ và chưa thống nhất nên hiệu quả chưa cao…
Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải luồng tuyến không cố định nên cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý thuế đối tượng này - Ảnh: V.AN |
* Trước tình hình nói trên, ngành Thuế và các cơ quan liên quan sẽ làm gì để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 06/CT-UBND?
- Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 06/CT-UBND, thời gian tới, Cục Thuế Phú Yên sẽ tranh thủ sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý thuế; đồng thời đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cung cấp danh sách các loại phương tiện vận tải là ô tô đăng ký tại đơn vị này từ đầu năm 2014 để cơ quan thuế có cơ sở đối chiếu các phương tiện vận tải đã đăng ký hoặc chưa đăng ký thuế. Ngành Thuế cũng phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tăng cường vận động, tuyên truyền ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế trong thành viên; phổ biến cho các hợp tác xã vận tải khi tiếp nhận thành viên phải làm đầy đủ thủ tục về đăng ký bổ sung vốn, phương tiện đã hoặc đang hoạt động thì phải có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đến thời điểm gia nhập. Khi thành viên rút vốn bằng phương tiện vận tải, hợp tác xã phải cung cấp danh sách cho cơ quan thuế biết để theo dõi, quản lý. Ngoài ra, cơ quan thuế còn phối hợp với UBND các địa phương thường xuyên thống kê danh sách các hộ gia đình, cá nhân có phương tiện vận tải trên từng thôn, khu phố. Căn cứ danh sách phương tiện vận tải đã lập, đối chiếu bộ thuế, cơ quan thuế mời các chủ phương tiện chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai đăng ký nộp thuế đến trụ sở UBND xã, thị trấn để đăng ký kinh doanh, kê khai thuế theo quy định…
* Còn cơ quan thuế sẽ làm gì, thưa ông?
- Về phần mình, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua, bán xe để kinh doanh vận tải phải làm thủ tục sang tên trước bạ, đăng ký quyền sở hữu và đăng ký kinh doanh vận tải trước khi kinh doanh; đồng thời phổ biến nội dung chính sách thuế và chế tài xử lý các hành vi vi phạm để các tổ chức, cá nhân biết mà chấp hành tốt pháp luật thuế. Ngành Thuế cũng tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp vận tải về thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn, chứng từ; thường xuyên xác minh hóa đơn để ngăn ngừa, xử lý kịp thời tình trạng xuất hóa đơn khống, hóa đơn chênh lệch giữa các liên; xác minh thực tế các trường hợp vận chuyển nhưng không xuất hóa đơn, không hạch toán doanh thu, không kê khai thuế theo đúng thực tế phát sinh để có biện pháp chuyển qua ấn định thuế kịp thời. Cơ quan thuế sẽ thường xuyên cập nhật số lượng phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải, số phương tiện vận tải đã cấp phép lưu hành nhưng chưa đăng ký thuế, số phương tiện chưa chính chủ… trên website chung để các ngành theo dõi, phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Ngoài ra, ngành Thuế còn công khai thông tin về các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời cương quyết cưỡng chế các trường hợp kinh doanh vận tải trốn tránh nghĩa vụ thuế để răn đe.
* Cảm ơn ông!
VIỆT AN (thực hiện)