Ngày 1/10, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố báo cáo kinh tế Việt Nam chín tháng, trong đó nhận định kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng trong nước giữ vững đà phục hồi trước những biến động kinh tế thế giới, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của xấu khẩu và đầu tư tư nhân.
Đầu tư tư nhân và sản xuất kinh doanh cải thiện
Xuất khẩu có mức tăng khá so với các nước trong khu vực. Đầu tư tư nhân và hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện tích cực giúp duy trì thu nội địa, bù đắp một phần tác động của giảm giá dầu.
Xuất khẩu tăng trưởng khá, nhất là xuất khẩu ngoài dầu. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều mức tăng xuất khẩu ước tính cho năm 2015 của thế giới (5,1%) cũng như của ASEAN. Hơn nữa, nếu không tính xuất khẩu dầu thì xuất khẩu 9 tháng tăng đến 13,3% so với cùng kỳ 2014, xấp xỉ mức tăng xuất khẩu ngoài dầu của cùng kỳ 2014 (14,2%).
Tình hình doanh nghiệp và đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện. Ủy ban này cho rằng, đầu tư nhân cải thiện trước hết nhờ tín dụng tăng trưởng tốt: tính tới 21/9, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,5% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ 2014 chỉ tăng 7,26%). Đầu tư tư nhân/GDP 9 tháng qua ở mức 12,1%, cao hơn mức 11,8% cùng kỳ 2014.
Cũng theo các chuyên gia của Ủy ban Gíam sát Tài chính quốc gia, dù trong tháng 9 lạm phát (so cùng kỳ năm trước) giảm xuống 0% nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,4%, là mức ổn định của lạm phát cơ bản trong suốt 7 tháng gần đây. Do diễn biến của giá dầu, Ủy ban giảm dự báo lạm phát năm 2015 xuống dưới 2% và tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.
Đối với khu vực tài chính cũng có những tín hiệu tích cực. Khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập dự phòng tủi ro tăng. Thị trường cổ phiếu cũng đã ổn định trở lại sau những biến động kinh tế thế giới trong tháng Chín.
Tuy nhiên, đối với mục tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn đang là một thách thức. Tỉ lệ trúng thầu/gọi thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng 9 chỉ đạt 20,7%. Tính từ đầu năm, trái phiếu kỳ hạn 15 năm đã phát hành vượt kế hoạch (133,8%), trong khi đó trái phiếu 5 năm và 10 năm hiện mới đạt 29,4% và 12,8% kế hoạch năm.
Tỉ lệ huy động trái phiếu Chính phủ thành công là 54% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 7,6 năm, đạt thấp (38,5%) so với kế hoạch năm 2015. Nếu tính cả tín phiếu và trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm, đã thực hiện phát hành 156,48 nghìn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 63% nhiệm vụ huy động vốn trái phiếu Chính phủ cả năm.
Năm 2016 cần nhất quán trong chính sách
Ủy ban dự báo năm 2016, xuất khẩu có khả năng tăng trưởng khá hơn nhờ vào kinh tế thế giới, dù có nhiều bất trắc nhưng được dự báo sẽ cao hơn so với 2015. Giá hàng hóa thế giới dự báo phục hồi và những tác động của hiệp định thương mại giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) rút khỏi thị trường Trung Quốc, tìm đến những nền kinh tế đang phát triển ổn định hơn, trong đó có Việt Nam. Tiêu dùng phục hồi tốt hơn nhờ lạm phát thấp và hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện.
Đặc biệt tác động tích cực từ chương trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế và các biện pháp cải cách hành chính sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích đầu tư tư nhân.
Các chuyên gia của Ủy ban này cũng kỳ vọng lạm phát năm 2016 sẽ không có những áp lực lớn do kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong nhiều năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng cho rằng, năm tới khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám doanh nghiệp dù sẽ có nhiều cải thiện hơn. Kinh tế thế giới mặc dù tiếp tục xu hướng phục hồi tăng trưởng trong năm 2016 nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro như: khủng hoảng nợ công của các nước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; tăng trưởng của các nước BRICS (các nước có nền kinh tế mới nổi), nhất là Trung Quốc chậm lại; nguy cơ xung đột chính trị, dịch bệnh vẫn hiện hữu.
Khả năng FED tăng lãi suất vào cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016, mặc dù không tác động đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, nhưng sẽ có ảnh hưởng đối với tâm lý thị trường cũng như mục tiêu ổn định tỉ giá. Vì vậy, công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường.
"Các thông điệp chính sách cần rõ ràng và linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin cũng như sự đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động. Việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng sẽ là đòi hỏi cần thiết trong năm 2016.
Cùng với việc theo dõi sức khỏe của kinh tế thế giới, các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động", chuyên gia của Ủy ban Giám sát khuyến nghị.
Theo TTXVN/Vietnam+