Những năm qua, Phú Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là thách thức, đòi hỏi các cấp, ngành phải đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế để thích ứng.
TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Rõ nét nhất là những năm gần đây, lượng mưa giảm, hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều khu vực. Riêng với ngành Nông nghiệp, mặc dù toàn tỉnh đã xây dựng hơn 40 công trình thủy lợi và các hồ chứa nước nhỏ phục vụ sản xuất, nhưng mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước trên các sông, trong các hồ chứa bị thiếu hụt nghiêm trọng. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh phải cắt giảm và chuyển đổi hàng chục hecta đất sản xuất; 30 đến 40 vụ cháy rừng xảy ra; làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, lũ lụt, hạn hán; giảm năng suất, sản lượng, tăng nguy cơ rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp, thu hẹp diện tích đất sản xuất do nước biển dâng và nước sông bị nhiễm mặn; tăng khả năng gây dịch bệnh, nhất là do ô nhiễm nguồn nước và môi trường; dòng chảy trên các sông thất thường; tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và giảm hiệu suất, sản lượng điện. Nhiều vùng thường xuyên bị ngập lụt, triều cường; tài nguyên, hoạt động và hạ tầng ngành Du lịch bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp; luồng lạch, bến cảng, mạng lưới giao thông bị tác động tiêu cực, trong đó các tuyến đường ven biển của tỉnh là đối tượng chịu tác động chính vì nước biển dâng.
Theo Bộ TN-MT, đất chuyên trồng lúa nước ở Phú Yên là loại hình sử dụng đất bị tác động mạnh nhất với diện tích từ 700-800ha có nguy cơ ngập do nước biển dâng vào giai đoạn năm 2020-2030. Trong giai đoạn này, biến đổi khí hậu còn làm suy giảm khoảng 274ha đất lâm nghiệp và 56ha đất công nghiệp - xây dựng, 57ha đất du lịch bị ảnh hưởng. Cũng theo Bộ TN-MT, hiện Phú Yên có khoảng 19 khu vực sạt lở với phạm vi từ 300 đến 1.500m, tốc độ sạt lở hàng năm từ 10 đến 20m, có nơi từ 25 đến 30m như thôn Hòa An, xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu), xóm Rớ, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa).
CHUYỂN DỊCH ĐÚNG HƯỚNG
Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu phấn đấu đến giai đoạn năm 2016-2020, ngành nông - lâm - thủy sản đạt từ 10 đến 10,5%, công nghiệp - xây dựng từ 48-48,5%, dịch vụ từ 41-41,5% trong cơ cấu các ngành kinh tế. Để đạt được điều đó, những năm gần đây, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nên đến nay, cơ cấu nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh chiếm hơn 23% và có sự chuyển biến theo hướng giảm tỉ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản và lâm nghiệp. Đặc biệt là ngành thủy sản ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân; trong đó năng lực đánh bắt xa bờ đang phát triển khá mạnh với đội tàu công suất lớn 853/7.295 chiếc khai thác thủy sản, đạt tổng sản lượng bình quân hàng năm khoảng 40.000 tấn, gấp 4 lần sản lượng nuôi trồng. Đối với lâm nghiệp, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh trồng rừng kinh tế với tổng diện tích hiện nay lên đến gần 40.000ha được trồng theo phương thức thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng sản lượng sinh khối. Nhờ vậy mà ngày càng thu hút được các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; tỉ lệ độ che phủ rừng cũng tăng mỗi năm từ 1-2% và đến năm 2015 đạt khoảng 40% tổng diện tích tự nhiên. Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đang có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và đến năm 2014 chiếm 35,6% tổng sản phẩm, tăng 0,2% so với năm 2013; cơ cấu các lĩnh vực dịch vụ trong giá trị tăng thêm của ngành được chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng và đến năm 2014 chiếm 41,4%, tăng 1,1% so với năm 2013.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự, định hướng cơ cấu kinh tế trong những năm tới của tỉnh vẫn là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, nhưng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm ngày càng tăng lên. Các ngành công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp lọc, hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, nhất là công nghiệp mía đường. Trong đó ưu tiên tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng kết cấu đô thị; các ngành dịch vụ hỗ trợ sản xuất, nâng cao chất lượng sống cho người dân như dịch vụ cảng, dịch vụ nghề cá, vận tải biển, logistics lớn (quản lý việc mua bán, vận chuyển, lưu kho cùng với các hoạt động về tổ chức cũng như lập kế hoạch), thương mại, GD-ĐT, y tế, du lịch và dịch vụ công nghệ thông tin; đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải biển và vận chuyển khách du lịch, dịch vụ đào tạo, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tàu lớn, doanh nghiệp logistics...
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của tỉnh là nguồn kinh phí còn rất hạn chế để triển khai các dự án xây dựng đê biển, đường giao thông ven biển, đường cứu hộ, cứu nạn ở những vùng trũng bị ngập. Trong điều kiện còn khó khăn về ngân sách, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí và cơ chế, chính sách để địa phương ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong nghiên cứu khoa học về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các luận cứ khoa học và ban hành hướng dẫn cụ thể để địa phương đưa ra các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện và thống nhất cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và các cơ chế huy động vốn thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu…
Giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phú Yên đã đề ra 13 giải pháp tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, ưu tiên tập trung xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ; bổ sung hệ thống quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước các con sông; tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê, kè bảo vệ, phát triển cơ sở hạ tầng bảo vệ sản xuất; tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên và đẩy mạnh trồng rừng, phòng chống cháy rừng, hạn chế phát sinh khí thải và gây ô nhiễm môi trường; nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông, vận tải ở các khu vực gần bờ sông, suối và núi sâu hiểm trở; hỗ trợ ngành Nông nghiệp để đảm bảo nguyên liệu sản xuất và đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng sạch, hạn chế hiệu ứng nhà kính; giảm phát thải không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; đưa chương trình biến đổi khí hậu lồng ghép vào kế hoạch phát triển giữa các ngành tài nguyên - môi trường, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, phòng chống thiên tai, y tế, sức khỏe cộng đồng, công nghiệp, du lịch… |
PHƯƠNG NAM