Với vị trí địa lý thuận lợi về mọi mặt, vịnh Văn Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng khu kinh tế tổng hợp (KTTH), trong đó, cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo kết hợp với phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Khi khu KTTH Văn Phong khởi động không chỉ tạo ra sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa mà còn góp phần làm “chuyển mình” vùng kinh tế Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
TỪ TRỌNG ĐIỂM DU LỊCH ĐẾN KHU KINH TẾ TỔNG HỢP
Tháng 10-2005, tỉnh Khánh Hòa đã chính thức công bố quy hoạch chung xây dựng khu KTTH Văn Phong đến năm 2020 với diện tích 150.000 ha (khoảng 80.000 ha mặt nước, 70.000 ha đất liền). Khu KTTH Văn Phong nằm trên địa bàn 2 huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh. Mục tiêu phát triển đến năm 2020, dân số trong vùng quy hoạch sẽ đạt 400.000 người, gần 70% dân số được đô thị hóa. Khu KTTH Văn Phong phát triển với: Khu thương mại tự do gắn với cảng trung chuyển container Văn Phong, các khu công nghiệp, các khu giải trí đặc biệt, khu vực dành cho du lịch, khu dân cư hành chính. Vùng phía bắc vịnh Văn Phong (thuộc huyện Vạn Ninh) được xem là trung tâm có cảng trung chuyển container, du lịch, dịch vụ, khu đô thị Vạn Giã và Tu Bông cùng với khu công nghiệp Vạn Thắng. Phía nam vịnh Văn Phong (thuộc Ninh Hòa) đóng vai trò quan trọng để bổ trợ, thúc đẩy phát triển toàn bộ khu KTTH như: đào tạo nguồn nhân lực, khu cảng xăng dầu, cảng tổng hợp, kho ngoại quan, các khu du lịch và đô thị…
Nhiều tàu dầu nước ngoài bắt đầu đến Vân Phong - Ảnh: Nguyễn Đình Quân
Khu KTTH Văn Phong sẽ hình thành nên 2 khu đô thị lớn. Khu đô thị Bắc Văn Phong được xác định là khu KTTH gồm: cảng trung chuyển container quốc tế - du lịch - thương mại - công nghiệp, với tổng diện tích đất xây dựng từ 4.500 đến 5.300 ha, dân số khoảng 140.000 người. Cảng trung chuyển container quốc tế có diện tích tiềm năng khoảng 750 ha, dịch vụ hậu cảng 150 ha, trung tâm thương mại - tài chính 400 ha, khu đô thị 2.150 ha, khu công nghiệp đa ngành 200 ha… Khu đô thị Nam Văn Phong được xác định là khu đô thị du lịch - dịch vụ - công nghiệp, khoảng 2.300 ha, dân số 135.000 người, được phân ra nhiều phân khu chức năng như: khu cảng biển, du lịch, khu dân cư đô thị, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, khu phía nam sẽ hình thành lên nhiều cụm cảng: cụm cảng Mỹ Giang (trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng, cảng nhà máy đóng tàu); cụm cảng Hòn Khói (cảng tổng hợp, cảng tàu khách du lịch)…
KHU KINH TẾ VĂN PHONG VỚI PHÚ YÊN
Khi khu KTTH Văn Phong xây dựng và đi vào hoạt động sẽ tạo “cú hích” giúp các tỉnh nằm trong khu vực gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, vùng Tây Nguyên và nhiều khu vực lân cận khác “cất cánh”. Là khu vực cảng nước sâu và gần ngã ba của đường hàng hải quốc tế nên khu KTTH Văn Phong sẽ là đầu mối giao thương với các nơi cũng như tập kết hàng hóa cung cấp trong nước và quốc tế... Một số dự án được chú trọng hàng đầu khi Văn Phong khởi động gồm cảng trung chuyển container quốc tế, xây dựng mở rộng đường vận tải từ quốc lộ 1A đến Đầm Môn, tuyến đường sắt nối từ đường sắt Thống Nhất vào cảng, xây dựng hồ chứa nước Hoa Sơn, nhánh rẽ cáp điện ngầm, cảng chuyển tải dầu, tổng kho xăng dầu Mỹ Giang, cảng hành khách quốc tế Đầm Môn và nhiều ngành dịch vụ khác. Trong khi đó, để đảm bảo lưu thông an toàn cho các phương tiện vận tải từ phía Bắc vào khu kinh tế và ngược lại, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã nhất trí mở hầm đường bộ qua đèo Cả. Đây là một trong những lợi thế giúp Phú Yên và Khánh Hòa tăng cường hơn nữa mối liên kết hợp tác kinh tế tiểu vùng giữa 2 địa phương.
Đầm Môn, trung tâm tương lai của khu KTTH Văn Phong cách TP Tuy Hoà chỉ khoảng 60 km. Nếu tính từ cảng Vũng Rô đến Đầm Môn, khoảng cách chỉ là hơn 30 km và còn gần hơn nữa khi đường hầm qua đèo Cả hoàn thành. Về đường không, sân bay Cam Ranh cách khu KTTH Văn Phong trên dưới 100 km, trong khi từ sân bay Đông Tác đến đó chỉ hơn 40 km. Những con số đó cho thấy, khu KTTH Văn Phong có liên hệ mật thiết, hữu cơ với tỉnh Phú Yên. Sự phát triển của khu KTTH Văn Phong là cơ hội lớn để thúc đẩy sự phát triển của phía Nam Phú Yên, kể cả thành phố Tuy Hoà. Ngược lại, Phú Yên hỗ trợ được rất nhiều cho sự phát triển của khu KTTH Văn Phong. Cùng với sân bay Cam Ranh, sân bay Đông Tác sẽ là đầu mối giao thông đối ngoại của khu KTTH Văn Phong. Trong giai đoạn sau 2010, nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho khu KTTH Văn Phong, kể cả khối lượng lớn nước ngọt xuất khẩu cho các con tàu trung chuyển quốc tế sẽ là sông Ba. Cảng Vũng Rô cũng có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận vật liệu, thiết bị phục vụ xây dựng khu KTTH Văn Phong và hỗ trợ điều tiết nguồn hàng qua cảng trung chuyển quốc tế Văn Phong. Tất nhiên, Phú Yên cũng sẽ là nguồn nhân lực đáng kể của khu KTTH Văn Phong. Những điều này đã được nhiều người nhắc đến trong lễ ký thoả thuận hợp tác giữa hai tỉnh Khánh Hoà - Phú Yên tại Nha Trang tháng 5-2005.
ĐÌNH QUÂN-HOÀNG TRIỀU