Không phải ngẫu nhiên trong cuộc họp ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa ba tỉnh Phú Yên, Gia Lai và Đắc Lắc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Thành Quang, đã nhắc lại câu ca:
“Sông Ba chảy xuống Đà Rằng
Ai yêu Đắc Lắc cho bằng Phú Yên”. Và…
“Ai về nói với nẫu nguồn
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên”
Phú Yên, Gia Lai và Đắc Lắc vốn có truyền thống gắn bó keo sơn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, ba địa phương này đã và đang tiếp tục cùng nhau thực hiện chương trình liên kết phát triển toàn diện để khai thác tiềm năng của cả khu vực.
Quốc lộ 25 sẽ trở thành tuyến đường giao thông chính giữa duyên hải và Tây Nguyên - Ảnh: DTX
Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Nguyễn Văn Lạng cho rằng việc mở rộng giao thông giữa Tây Nguyên và đồng bằng duyên hải Trung bộ có ý nghĩa quyết định trong phát triển kinh tế cho cả khu vực. Từ những năm 1995, Phú Yên và Đắc Lắc đã hợp tác lập dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh dài 145 km từ thị trấn Phú Lâm (huyện Tuy Hòa) đi Krông Buk – Đắc Lắc, tạo ra một trục ngang liên hoàn nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 tạo đà phát triển kinh tế- xã hội khu vực Sông Hinh và phía đông, đông-bắc của Đắc Lắc. Đây là vùng đất màu mỡ chưa khai thác ở giữa lưu vực ngã ba sông Krông Năng và sông Ba. Tuyến đường nay đã góp phần giảm gần 50% phí vận tải từ các vùng phía đông Đắc Lắc qua đường 14 đến các tỉnh miền xuôi.
Trong khi đó, Quốc lộ 25 từ Phú Yên đi Gia Lai là con đường ngắn nhất ít đèo dốc nối đồng bằng với Tây Nguyên. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng cho biết: Lâu nay hai tỉnh vẫn chưa khai thác hết lợi thế tiềm năng từ con đường Quốc lộ 25. Trong chương trình ký kết hợp tác, hai tỉnh cùng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư nâng cấp tuyến đường này; đồng thời tổ chức các tuyến vận chuyển hàng hóa và hành khách tham quan, du lịch từ đồng bằng lên Gia Lai – Kom Tum và ngược lại. Hai tỉnh cũng đã phối hợp triển khai dự án tuyến đường miền Tây từ Đắc Lắc qua Phú Yên đến Diêu Trì (Bình Định) dài 165km; đồng thời xây dựng quy hoạch tuyến đường nối từ Bắc huyện Sơn Hòa hoặc Đồng Xuân (Phú Yên) lên Gia Lai theo hướng Mang Yang, An Khê…
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ĐÀO TẤN LỘC: Phú Yên sẽ là cửa ngõ thông thương giữa Tây Nguyên với đồng bằng. Để tạo nên thành công trong hợp tác phát triển kinh tế xã hội của ba tỉnh, yếu tố quan trọng là cùng nhau xây dựng một kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và các chính sách khuyến khích, ưu đãi… nhằm kêu gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.
Ba tỉnh Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai cùng kiến nghị với Chính phủ sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên để khai thác lượng hàng hóa nông sản lớn từ Tây Nguyên về duyên hải phục vụ xuất khẩu…
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc đưa ra nhận định: “Việc Chính phủ quyết định thành lập khu vực kinh tế trọng điểm vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) là cơ hội để các tỉnh lận cận cùng hợp tác đầu tư khai thác các lợi thế tiềm năng. Do vậy, Phú Yên hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên đầu tư phát triển đa dạng các lĩnh vực nhằm tạo ra một vùng kinh tế năng động theo vịnh Vân Phong”. Điểm nhấn chương trình hợp tác là ba tỉnh cùng nghiên cứu đề tài khoa học: “Nghiên cứu luận cứ khoa học về tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế – xã hội khu vực sông Ba và vùng phụ cận theo hướng phát triển bền vững”. Đây là cơ sở để tránh tình trạng trùng lắp trong đầu tư sản xuất và hỗ trợ để nâng cao hiệu quả đầu tư. Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc đánh giá: “Phú Yên có thế mạnh về đất đai, nhiều đầm, vịnh, bờ biển dài, đặc biệt vịnh Vũng Rô nằm gần sát ngay vịnh Vân Phong. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên có nhiều rừng, gỗ, có thế mạnh về các loại cây công nghiệp, phát triển thông thương kinh tế – xã hội với vùng giáp ranh của nước bạn Lào. Những lợi thế ấy là điều kiện thuận lợi để các địa phương hợp tác đầu tư phát triển”.
Thuỷ điện Ea Krông Năng (Đắc Lắc) với công suất 65.000kw đang được xây dựng (với lưu vực rộng gần 2000 ha mặt nước) sẽ cung cấp điện, cải tạo môi trường sinh thái và phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội khu vực tây Sông Hinh và phía đông, đông-bắc của tỉnh Đắc Lắc. Phú Yên tạo điều kiện cho tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai đầu tư kho bãi ở cảng Vũng Rô để vận chuyển hàng nông sản, cà phê xuất khẩu bằng đường biển; đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cho cán bộ viên chức Tây Nguyên và một số khách sạn dọc biển TP Tuy Hòa. Từ năm 2006 trở đi, ba tỉnh phối hợp xây dựng các điểm du lịch lớn, từ đó cùng nhau hợp tác mở ra các toa du lịch Sài Gòn – Phú Yên – Đắc Lắc – Gia Lai…; đồng thời tạo thuận lợi cho Tổng công ty Vận tải Sài Gòn (Tranaco) sớm xây dựng đường ống dẫn dầu từ Vũng Rô lên Tây Nguyên...
LƯU PHONG