Đến nay công trình hệ thống chống ngập lụt TP Tuy Hòa (thường gọi là kè Bạch Đằng) đã phải dừng thi công gần một năm kể từ khi xảy ra sự cố sạt lở cọc tại vị trí C57-58 (khu vực bến cá phường 6) thuộc gói thầu số 4 dự án này. Mặc dù chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và cả UBND tỉnh đã rất tích cực tạo điều kiện thuận lợi, nhưng nhà thầu chịu trách nhiệm thi công công trình là Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Bộ Xây dựng) vẫn cố tình trì hoãn, chưa chịu khắc phục những hư hỏng do mình gây ra.
Đá hộc được đổ cạnh bờ kè Bạch Đằng để… làm cảnh vì nhà thầu không triển khai thi công - Ảnh: HOÀI TRUNG
PHƯƠNG ÁN KHẮC PHỤC SỰ CỐ ĐÃ CÓ
Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở hệ thống cọc thuộc gói thầu số 4 công trình kè Bạch Đằng vào 31/5/2006, UBND tỉnh đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp bàn công tác xử lý sự cố với sự tham gia của các đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn kể cả nhà thầu để nghiên cứu các phương án sửa chữa. Ngoài ra chủ đầu tư còn làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế để tìm giải pháp tối ưu nhất khắc phục sai sót tại công trình kè Bạch Đằng. Sau một thời gian cân nhắc, tính toán, ngày 30/3/2007, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán hạng mục gia cố kết cấu kè Bạch Đằng. Theo đó Tổng công ty Cơ khí xây dựng phải đổ đá hộc hộ chân kè cao thêm 1,5 mét (thiết kế cũ cao 1,5 mét); tháo các giằng và sửa lại các khớp nối giữa giằng và cọc dầm (nếu phải sửa hết thì khối lượng khoảng trên 1.000 cái); thay 2 lớp đan bê tông xi măng trên cùng theo suốt chiều dài kè (tổng số có 2278 tấm) sửa lại tầng lọc và xây bậc lên xuống tại vị trí kè bị sự cố. Tổng kinh phí đầu tư cho các công việc này trên 10 tỉ đồng, trong đó tỉnh Phú Yên buộc phải chi thêm hơn 712 triệu đồng cho phần khối lượng đá hộc hộ chân kè đổ thêm và xây bậc lên xuống tại vị trí sạt lở; phần còn lại nhà thầu phải chịu.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, đây là phương án khắc phục sự cố tối ưu nhất (giá thành rẻ nhưng chất lượng vẫn bảo đảm) đồng thời thể hiện thiện chí của tỉnh tạo những điều kiện tốt nhất để đơn vị thi công có thể sớm khắc phục những sai sót do mình gây ra.
NHƯNG NHÀ THẦU CỐ TÌNH TRÌ HOÃN
Sau khi một loạt cán bộ kỹ thuật và chỉ huy công trường bị công an tỉnh Phú Yên khởi tố và bắt tạm giam, Tổng công ty Cơ khí xây dựng gần như bỏ công trình, không chịu thi công tiếp. Mãi cho đến tháng 3/2007, đơn vị này mới giao cho Công ty Cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước (COMAEL) tham gia khắc phục những sai sót tại gói thầu số 4 công trình kè Bạch Đằng. Thời gian đầu, Tổng công ty Cơ khí xây dựng làm ra vẻ rất quyết tâm khi thành lập ban chỉ huy công trường do ông Nguyễn Trọng Toàn, Giám đốc COMAEL làm trưởng ban, ông Lê Mạnh Tiến, Phó giám đốc COMAEL làm phó ban trực tiếp có mặt tại công trình. Thế nhưng đây chỉ là “động tác” đánh lừa chủ đầu tư vì thực tế tại công trường, nhà thầu không có thiết bị, lực lượng thi công mà chỉ thuê doanh nghiệp tư nhân Thể Đào đổ khoảng 3.000m3 đá hộc rải dọc bờ kè rồi để đó không chịu tiếp tục thi công. COMAEL đã cố tình gây khó cho chủ đầu tư khi cho rằng có sự sai lệch giữa cao độ đáy sông (độ sâu lòng sông) thực tế và hồ sơ thiết kế. Trước yêu cầu này, Ban Quản lý dự án thủy lợi đã phải mời tất cả các đơn vị có liên quan để tiến hành đo đạc lại cao độ đáy sông, nhưng cán bộ kỹ thuật của COMAEL lại không tham gia vì cho rằng chủ đầu tư phải có giấy mời chứ không thể gọi điện thoại (!?). Sau đó COMAEL lại tiếp tục có văn bản về vấn đề này, buộc Ban Quản lý dự án thủy lợi lại phải một lần nữa tổ chức đo đạc lại lòng sông vào ngày 9/5/2007. Lần này COMAEL có cử người tham gia nhưng không chịu ký biên bản vì cho rằng kết quả đo đạc, tính toán là chưa thỏa đáng (?).
Việc cố tình trì hoãn thời gian khắc phục những sai sót tại gói thầu số 4 công trình kè Bạch Đằng của Tổng công ty Cơ khí xây dựng còn thể hiện ở công tác lập báo cáo tiến độ. Đây là công việc được pháp luật qui định nhưng mặc dù chủ đầu tư đã rất nhiều lần yêu cầu, nhà thầu vẫn không lập được tiến độ thi công theo đúng các qui trình kỹ thuật. Rõ ràng Tổng công ty Cơ khí xây dựng đã bất chấp các qui định của pháp luật, coi thường chủ đầu tư và cố tình dây dưa không chịu triển khai sửa chữa, khắc phục những sai phạm do mình gây ra khi thi công gian dối, rút “ruột” công trình.
HẬU QUẢ SẼ KHÓ LƯỜNG!
Giám đốc Ban Quản lý dự án thủy lợi Lê Văn Hương cho biết: Đến nay chưa có một viên đá nào được để xuống để gia cố chân kè mặc dù khối lượng này khá lớn: khoảng 12.000m3, trong đó nhà thầu còn nợ khối lượng chưa thực hiện khoảng 10.000m3. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã phải có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Quân đề nghị Bộ chỉ đạo Tổng công ty Cơ khí xây dựng sớm tiến hành thi công hoàn chỉnh gói thầu số 4. Tuy nhiên, hiện tình hình vẫn chưa có chuyển biến gì trong khi đó quyết tâm của tỉnh là phải hoàn thành gói thầu này vào cuối tháng 6 năm nay.
Công trình kè Bạch Đằng là một công trình trọng điểm của tỉnh có tác dụng chống ngập lụt cho TP Tuy Hòa đồng thời tạo cảnh quan cho đô thị này. Do vậy dự án cần được sớm hoàn thành và những sai sót tại gói thầu số 4 cần được khắc phục dứt điểm để chủ đầu tư có thể tiếp tục triển khai các gói thầu khác. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng thủy lợi, nếu công trình không được sửa chữa kịp thời thì khi mùa mưa bão đến hậu quả sẽ thật khó lường.
HOÀI TRUNG