Thứ Hai, 30/09/2024 06:24 SA
Khi nông dân bảo tồn và ứng dụng đa dạng sinh học
Thứ Ba, 15/05/2007 13:30 CH

Chương trình Bảo tồn và ứng dụng đa dạng sinh học châu Á (Bucap) vừa được tổ chức SEArice và tổ chức phát triển Na Uy hỗ trợ thực hiện tại Phú Yên trong vụ đông xuân 2006 - 2007. Những cách chọn giống và lai tạo giống lúa (gọi tắt là Bucap) được 60 nông dân của hai HTX Hoà Mỹ Tây và Hoà Kiến 2 thực hiện thành công. Họ mong muốn có được bộ giống mang tên HMT1 hoặc HK2-1.

 

NÔNG DÂN LAI TẠO GIỐNG

 

070514-bucap.jpg

Tham quan học tập phương pháp chọn dòng phân ly trong chương trình Bucap ở HTX Hòa Mỹ Tây - Ảnh: LY KHA

 

Anh nông dân Huỳnh Hữu Dĩnh, HTX Hoà Mỹ Tây huyện Tây Hoà, chẳng thể ngờ có ngày, anh lại đứng thuyết trình về cách lai tạo giống lúa cho nhiều người nghe. Từ trước đến giờ, để trồng lúa thì anh cũng như nhiều bà con nông dân khác lấy một ít lúa thu hoạch được để lại làm giống, chưa nghĩ đến chuyện giống như thế nào là đạt tiêu chuẩn. Vậy nên chuyện anh lai tạo được hạt giống lúa lai cứ như chuyện lạ có thật. Anh Dĩnh say sưa nói: Sử dụng giống OM 2695 và ML4 để lai tạo ngược bố mẹ. Phải cấy 3 trà khác nhau, mỗi trà lúa cách nhau 3 ngày để chọn ra dòng bố mẹ chín đồng thời để lai tạo. Sau khi lúa trổ thì tiến hành khử đực, tạo số hạt thụ phấn, cho ra số hạt lai và tính tỷ lệ thành công.

 

Khi mọi người hỏi cách lai tạo giống cụ thể thế nào, anh bê luôn cả chậu lúa giống để lên trên bàn, hào hứng nói tiếp: “Sau khi lúa trổ, cắt 1/3 bông lúa; mỗi hạt lúa còn lại cắt đi 1/3 vỏ trấu; dùng que tăm gắp hết 6 túi phấn trong mỗi hạt lúa (nhụy đực) để hạt lúa không thể tự thụ phấn. Cũng dùng cách đó đối với giống lúa cần lai tạo khác, sau đó đợi đến 9, 10 giờ, khi bông lúa mẹ phơi màu rộ thì rắc hạt phấn thu được ngược nhau, dùng cọc tre để cắm và bọc bao giấy đối với bông lúa đã được cấy thủ công nhằm tránh trường hợp lúa lai tạo tự nhiên. Đến khi thu hoạch, chọn số hạt chắc có thể làm hạt giống được là lai thành công”.

 

Chị Đào Kim Lê, cũng ở HTX Hoà Mỹ Tây, tham gia chương trình giống Bucap với công đoạn điều tra giống. Chị cho biết: Trước đây chúng tôi chỉ chọn giống lúa chống đổ ngã, năng suất cao. Còn chuyện giống thích ứng với chân đất, chất lượng gạo… bây giờ mới nghe, mới làm. Vụ đông xuân vừa rồi, chị dành một khoảng ruộng để cấy 4 loại giống OM2659-2, OM2717, QX1 và TK1. Với mật độ 20x20cm, chị cấy 25 dảnh/m2 và giám sát định kỳ hằng tuần. Chị cho biết thêm: “Những vấn đề như độ rộng, dài của lá đòng, sự thoát của bong, sự đồng đều của giống… tới khi được học và thực hành, tôi mới biết được. Tất cả những yếu tố này đều cấu thành năng suất lúa. Sau khi áp dụng các phương pháp này, năng suất và chất lượng lúa đều cao hơn nhiều so với cách làm thông thường”.

 

Tương tự HTX Hòa Mỹ Tây, 30 nông dân của HTX Hòa Kiến 2 (TP Tuy Hòa) cũng tiến hành 4 phương pháp trong chương trình Bucap gồm nghiên cứu phục tráng giống, so sánh giống, chọn dòng phân ly và lai tạo giống. Nếu như Hòa Mỹ Tây đã lai tạo được 76 hạt giống có chất lượng thì Hòa Kiến 2 có tới 100 hạt. Người lai tạo đạt tỷ lệ cao nhất là anh Lê Văn Mẫu. Anh tiến hành lai tạo 38 hạt thì đã có 34 hạt đủ chất lượng.

 

BẢO TỒN NGUỒN GIEN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC

 

Chị Nguyễn Thị Lơn, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa, cho hay: Hiện lượng giống được sử dụng gieo trồng trên đồng ruộng chỉ có 30% là giống tốt, trong đó, các đơn vị sản xuất giống của Nhà nước cung cấp 20%, 10% là người dân tự trao đổi, mua bán qua lại. Còn lại 70% là giống  do nông dân tự để giống, không đủ phẩm chất. Dựa trên thực tế đồng ruộng, điều kiện tự nhiên của từng vùng, chương trình Bucap giúp nông dân tự đề ra mục tiêu chọn giống phù hợp. Trong vụ đông xuân vừa qua, chương trình được thực hiện tại Hòa Kiến 2 rất tốt.

 

60 nông dân đã nắm rõ được mục tiêu lâu dài khi tham gia vào chương trình. Anh Nguyễn Hữu Dĩnh cho biết: Chương trình này giúp nông dân giảm phụ thuộc lâu dài vào các cơ sở tạo và cung cấp giống, đồng thời tăng quỹ gien trên đồng ruộng nhằm thay đổi hệ sinh thái theo hướng tích cực. Chị Đào Kim Lê nói: Điều tra, nghiên cứu phục tráng giống nhằm tự nâng cao khả năng so sánh giống cũng như khả năng nhận biết nguyên nhân thoái hóa giống, từ đó có thể phục hồi đặc tính trội ban đầu của giống hay lai tạo ra giống mới trên cơ sở những giống tốt của địa phương. Ví dụ như hiện nay, lúa chống đổ ngã được thì năng suất cao nhưng chất lượng gạo không tốt và ngược lại. Lấy giống này lai tạo với giống có chất lượng gạo tốt lại phù hợp với điều kiện môi trường địa phương thì quá tốt.

 

Nông dân hai HTX trên và nhiều HTX khác sẽ tiếp tục được thực hiện chương trình này. Riêng với hạt lai đã tạo được sẽ tiến hành sản xuất hạt lai ở vụ thứ 2; từ vụ thứ 3 – 8 là chọn dòng phân ly và vụ thứ 9 là sản xuất khảo nghiệm. Khi ấy, nông dân sẽ có được giống lúa mới do chính họ lai tạo, có thể lấy tên HMT1 hoặc HK2-1. Cùng với giống mới, hệ sinh thái trên đồng ruộng Phú Yên cũng sẽ phong phú hơn nhiều, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

 

LY KHA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek