Việc triển khai các mô hình sản xuất lúa và chuyển đổi cây trồng đang thu hút các HTX tham gia, mang lại nhiều lợi ích cho cả thành viên và HTX.
Thành viên HTX khi tham gia trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp, được hỗ trợ giống, phân bón và có cơ hội tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (huyện Tuy An), cho biết: Trong 2 vụ liên tiếp (đông xuân 2013-2014 và hè thu 2014), Trung tâm Giống và kỹ thuật cây trồng tỉnh triển khai trình diễn mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng tại HTX, trên diện tích 2ha với giống TH6. 22 hộ thành viên HTX tham gia được hỗ trợ 100% lượng giống gieo sạ và 70% lượng phân, thuốc trừ sâu. Trong quá trình triển khai, nông dân còn được các kỹ sư nông nghiệp của trung tâm hướng dẫn kỹ thuật sạ hàng theo “3 giảm, 3 tăng” (3 giảm là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân; 3 tăng là tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ, lượng thuốc BVTV, lượng phân đạm, lượng nước (tiết kiệm nước), thất thoát sau thu hoạch; đồng thời phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Nhờ vậy trong suốt vụ sản xuất, trên toàn bộ diện tích ruộng mô hình, nông dân gần như không sử dụng thuốc trừ sâu, trừ bệnh đạo ôn như ruộng đối chứng, giúp giảm từ 30 đến 50% chi phí, nhưng năng suất lúa của vụ đông xuân đạt 81,2 tạ/ha, cao hơn 3 tạ/ ha so với ruộng đối chứng. Đối với vụ hè thu, ruộng mô hình đạt năng suất 70 tạ/ha, cao hơn 4 tạ/ha so với ruộng đối chứng.
Đối với các HTX, trong quá trình đồng hành cùng nông dân cũng được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Ông Trương Văn Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chủ nhiệm dự án Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh Phú Yên, cho biết: “Dự án triển khai tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) và HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa), trên diện tích 10ha/vụ, thu hút 73 hộ tham gia. Từ nguồn kinh phí thực hiện dự án, mỗi HTX được hỗ trợ 2 triệu đồng/vụ để theo dõi mô hình. Trong quá trình triển khai, các HTX có trách nhiệm đôn đốc hộ thành viên thực hiện đúng các quy định mà cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình đã hướng dẫn”.
Còn ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc HTX Hòa Thắng 2, bày tỏ: Tham gia mô hình, HTX được hưởng nhiều lợi ích. Thứ nhất là được hỗ trợ kinh phí để đóng góp một phần vào nguồn kinh phí hoạt động chung của HTX. Thứ hai là HTX triển khai được một số dịch vụ phục vụ sản xuất như cày đất, tuốt lúa, thu hoạch, vật tư nông nghiệp. Thứ ba là làm phong phú thêm nguồn giống nguyên chủng, giống xác nhận trong thành viên HTX. Trong đó cái lợi lớn nhất là năng suất lúa tăng, chất lượng gạo tốt, đáp ứng được nhu cầu thị trường nên giá trị kinh tế cao.
Thực hiện kế hoạch của Sở NN-PTNT về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa đã thành công với mô hình trồng cây diệp hạ châu tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Hiệp Bắc. Ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, cho biết: 5 hộ thành viên HTX đã tham gia mô hình trồng cây dược liệu này trên diện tích 2ha. Sau thu hoạch, cây diệp hạ châu cho năng suất 19 tấn/ha/vụ, được thu mua với giá 4.200 đồng/kg (tươi). Tính về giá trị kinh tế trên 1ha/vụ, tổng chi phí giống, phân bón, công lao động hơn 36 triệu đồng, trong khi tổng doanh thu đạt gần 80 triệu đồng/ha/vụ, lãi hơn 43 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần sản xuất lúa. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp như trồng sen, đậu phộng, dưa hấu…
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Các HTX đang trong quá trình chuyển đổi theo Luật HTX 2012 rất cần có thêm cơ hội để mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ là “cánh cửa” để các HTX mở thêm dịch vụ phục vụ sản xuất, cũng như kích cầu tiêu dùng đối với các dịch vụ kinh doanh tại các HTX. Đồng thời các mô hình này khi được nhân rộng ra thực tế sẽ giúp đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, tạo nguồn hàng hóa phong phú ở khu vực nông thôn, nơi các HTX đang chiếm ưu thế và có thể phát huy hết thế mạnh của mình.
MINH DUYÊN