Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi về thăm công trường hầm đường bộ qua đèo Cả. Thật vui khi khắp công trường nhộn nhịp khí thế thi đua vượt khó, vượt tiến độ. Nhiều đơn vị thi công đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ công nhân kỹ thuật và xe máy để làm 2 ca, 3 ca, nhằm sớm đưa công trình vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung. Nhưng cũng thật chạnh lòng khi được biết ở đây vẫn còn diễn ra việc các hộ dân chặn xe máy, cản trở thi công một công trình trọng điểm của đất nước.
NHỮNG TÍN HIỆU VUI
Ông Lê Quỳnh Mai, Giám đốc Ban quản lý các dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả cho biết: Dự án có 19 gói thầu, đến nay tất cả các gói thầu đều đã được thi công, nhiều nhà thầu có uy tín hàng đầu của đất nước về công trình ngầm và cầu đường như Công ty cổ phần Sông Đà 10, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 8… đã thi công các công trình chính, cùng sự có mặt của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế kỹ thuật quốc tế như liên danh Apave - Dohwa - Tedisouth và Nipon Koei.
Chúng tôi đến công trường đường hầm đèo Cổ Mã do Công ty cổ phần Sông Đà 10 thi công. Cách đây 5 tháng, hai bên hầm Cổ Mã chỉ vừa mới khoét miệng hầm, nay là những đường hầm sâu hun hút, công nhân và xe máy của công ty đang tiếp tục khoan, đặt mìn phá đá để khai thông những mét hầm còn lại. Ông Lại Xuân Khoa, Phó chỉ huy công trình đường hầm đèo Cổ Mã cho biết, hầm bên phải chỉ còn 50m và hầm bên trái còn khoảng 100m là xong phần thô. Như vậy, đến nay công ty đã đào 850m đường hầm và dự kiến sẽ thông hầm kỹ thuật vào nửa cuối tháng 10/2014. Cũng theo ông Khoa, để có được kết quả hôm nay, công ty đã huy động 270 cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đó có 45 kỹ sư, trên 50 xe máy, thiết bị chuyên dùng và tổ chức thi công 3 ca từ cuối năm 2013 đến nay. Hiện Công ty Sông Đà 10 triển khai thi công mố cầu số 5 phía nam đường hầm đèo Cổ Mã và khẩn trương khoan các miệng hầm phía nam của đường hầm chính qua đèo Cả.
Tại cửa hầm đèo Cả phía bắc, liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Lũng Lô và Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm cũng đã khoan sâu hai cửa hầm đến gần 20m. Do ở phần cửa hầm địa chất yếu, chủ yếu là đá mồ côi và đất phong hóa, công nhân của cả 2 đơn vị phải đào hầm theo phương án “chậm mà chắc”. Các công nhân phải dùng rìu, cuốc để đào đất và đào đến đâu phun bê tông gia cố tường hầm và chắn vòm sắt để phun bê tông mái hầm đến đó.
Anh Thông, kỹ sư của đơn vị giám sát cho biết, ở cửa hầm đất phong hóa nhiều nên tiến độ chậm, đào sâu vào bên trong gặp đá cứng sẽ làm nhanh hơn.
Các anh Trung, Đức cán bộ của Ban quản lý dự án đưa chúng tôi đến thăm các công trường, giải thích thêm: Tiến độ đào ở cửa hầm có chậm nhưng tiến độ công trình sẽ không chậm. Tháng trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Tổng giám đốc VietinBank vào thăm công trường, đều đánh giá cao và khen ngợi tiến độ thi công của công trường hầm đường bộ qua đèo Cả.
Điều đáng mừng, từ khi Chính phủ cho phép nhà đầu tư sử dụng nhà thầu trong nước để thi công, công trường đã vào cuộc khá nhịp nhàng, sáng tạo. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng thông báo tin vui: Nhờ nắn lại hướng tuyến, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật cũng như tận dụng đường lâm sinh làm đường thi công, toàn công trường đã giảm chi phí hơn 3.600 tỉ đồng để đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, tháo gỡ điểm ách tắc cuối cùng về an toàn giao thông trên quốc lộ 1 qua Nam Trung Bộ. Phú Yên sẽ thật sự thông thoáng, đẩy mạnh liên kết để phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn.
ĐƯỜNG QUA LÀNG SAO QUÁ KHÓ
Vui mừng là vậy, nhưng công trường hầm đường bộ qua đèo Cả vẫn còn nhiều nỗi lo toan.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả trình Chính phủ và Bộ GTVT, công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn những vướng mắc. Ở địa phận tỉnh Khánh Hòa, diện tích bàn giao cho công trường mới đạt 82,9%, trong tổng số 732 hộ dân bị ảnh hưởng, còn 129 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Tại Phú Yên có 465 hộ bị ảnh hưởng, còn 9 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Theo ông Trần Đại Xuân, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án Đèo Cả, ở phía nam, số hộ chưa bàn giao mặt bằng còn nhiều, nhưng do có sự hợp tác chặt chẽ giữa lãnh đạo huyện Vạn Ninh và lãnh đạo các xã Đại Lãnh, Vạn Thọ với Ban quản lý trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân và giải quyết các đơn khiếu nại, nên sắp tới, khi tỉnh Khánh Hòa chuyển lại việc xây dựng khu tái định cư 2 cho Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, việc giải phóng mặt bằng sẽ được giải quyết dứt điểm. Ở địa phận Phú Yên, dù còn vướng chỉ 9 hộ dân, nhưng việc thi công 400m đầu tuyến đường dẫn phía bắc, cầu số 1 và tuyến công vụ B1b phục vụ thi công cửa bắc hầm đèo Cả đang khó nhằn. Lãnh đạo địa phương hứa cuối tháng 6, rồi tháng 7, 8 và 9 đi qua nhưng các hộ trên vẫn cản trở thi công. Không chỉ các hộ dân trên, mà nhiều người dân khác kéo ra đường ngăn chặn thi công vì xe máy làm rung nhà, gây bụi vào nhà, mặc dù Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã cam kết bồi thường thiệt hại. Trong thực tế, khi thi công tuyến công vụ phía bắc, các đơn vị bảo hiểm công trình đã đền bù cho hàng trăm hộ bị ảnh hưởng.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu đường 18-6 triển khai thi công, có 12 hộ yêu cầu hỗ trợ, nhà thầu sợ thiệt hại vì ngưng thi công, đã có hỗ trợ cho các hộ dân, nhưng 2 ngày sau lại có đến 50 hộ chặn xe máy đòi bồi thường, nhà thầu đành phải ngưng thi công, dù đã tập kết đầy đủ lực lượng công nhân, xe máy thiết bị để tranh thủ thi công trước mùa mưa, thiệt hại cho đơn vị là không nhỏ. Trạm trộn bê tông cũng bị dân kéo ra yêu cầu đóng cửa, di chuyển nơi khác vì gây bụi, làm thiệt hại hàng chục tấn xi măng... Theo ông Lê Quỳnh Mai, mùa mưa sắp đến, nếu công trình không vượt lũ, thật khó nói đến việc thực hiện đúng tiến độ.
Vì sao hàng trăm hộ dân vui vẻ bàn giao mặt bằng để thi công công trình trọng điểm, nhưng vẫn còn những hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng? Vì sao còn nhiều hộ dân ngang nhiên cản trở xe máy thi công, trong lúc phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã được duyệt, nhà đầu tư đã vay vốn ứng trước cho địa phương tiền đền bù theo quy định? Đây là những câu hỏi dành cho lãnh đạo xã Hòa Xuân Nam và lãnh đạo huyện Đông Hòa.
Chúng ta đều biết dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả dù là công trình BOT hay BT, cuối cùng vẫn là ngân sách nhà nước phải chi, các khoản chi phí cho công trình phải làm đúng quy định của Nhà nước. Mọi người dân cần thấy rõ lợi ích to lớn của dự án đối với đất nước, địa phương và cả với bản thân, mà sẵn sàng tạo thuận lợi cho công trình được thi công nhanh hơn.
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương cũng cần được thực hiện nghiêm minh hơn. Sau bước tuyên truyền, vận động thì phải xử lý theo pháp luật. Nhà thầu sai thế nào? Người dân sai thế nào? phải được xử lý nghiêm minh. Không thể để “những con sâu làm rầu nồi canh”.
Cần giúp công trường hầm đường bộ qua đèo Cả thi công nhanh hơn để hầm đường bộ đèo Cả và sắp tới hầm đường bộ Cù Mông sẽ phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Nam Trung Bộ, nhất là Phú Yên.
HOÀNG NAM