Sản xuất lúa vụ mùa hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa. Năm nay, đến tháng 10 mà trời vẫn còn nắng gắt, lúa thiếu nước nên héo úa. Đối với người dân miền núi nhờ cây lúa vụ mùa để ăn giáp hạt, thế nhưng lúa đang giai đoạn mạ non thì khô nước, người dân lo ngại năng suất cuối vụ đạt thấp.
Theo Sở NN-PTNT, năm nay toàn tỉnh gieo trồng khoảng 6.200ha lúa vụ mùa. Với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, sở khuyến cáo nông dân nên chuyển đổi các loại cây trồng khác cho năng suất và thu nhập cao trên những diện tích lúa vụ mùa bị thiếu nước. |
Dọc theo cánh đồng thôn 5, xã An Ninh Đông qua cánh đồng thôn Phú Thường, xã An Hòa (huyện Tuy An), nhiều thửa ruộng lúa vụ mùa (vụ 10-12) đang khô héo. Chị Nguyễn Thi Thúy ở thôn Phú Thường cho biết: “Lúa vụ mùa từ ruộng cao đến ruộng trũng đều bị khô nước, héo úa. Năm nay đã qua tháng 10 rồi mà trời cứ mưa từng đợt, từ 4 đến 5 ngày xuất hiện cơn mưa nhỏ rồi nắng gắt trở lại, lúa thiếu nước tưới nên lá khô héo. Lúa gần tháng tuổi mà cao không quá gang tay người lớn. Mấy năm trước, tháng này đã mưa dầm, ruộng có nước, nông dân phun thuốc cỏ, bón phân nên lá lúa lên xanh”. Cạnh đó, vợ chồng ông Trần Lượm và bà Bùi Thị Duyên (ở thôn Phú Thường) đang cặm cụi dùng cuốc lưỡi nhỏ để cuốc cỏ lúa. Gia đình ông có 2 sào ruộng, do ruộng nằm ở khu vực trên cao, không có hệ thống thủy lợi bơm tưới, nên một năm chỉ sản xuất được vụ lúa vụ mùa. Ruộng khô nước không phun được thuốc cỏ nên cỏ dại mọc dày, đan xen cao bằng cây lúa. “Gia đình trông chờ vào đám ruộng này, thế nhưng với tình hình như hiện nay, nếu sắp đến trời có mưa thì lúa cũng giảm năng suất”, ông Lượm nói.
Tại một đám lúa loe hoe ở cánh đồng thôn 5, xã An Ninh Đông, vợ chồng anh Trần Văn Sáu cũng đang cuốc cỏ lúa trong tâm trạng buồn rầu. Anh Sáu ngậm ngùi: Lúc gieo khô (vãi lúa trên đất khô rồi cày vùi lấp, chứ không phải ngâm ủ giống sạ), trời không có mưa nên lúa không mọc nổi. Cả vùng này lúa hầu như hư gần hết. Có lẽ năm nay gia đình tôi thiếu ăn giáp hạt quá!
Không chỉ ở huyện Tuy An, nông dân ở các xã Sơn Định, Krông Pa, Sơn Nguyên của huyện miền núi Sơn Hòa cũng “khóc dở, mếu dở” vì tình trạng lúa vụ mùa bị héo úa. Ông Ma Liên ở xã Sơn Nguyên cho hay gia đình ông gieo 2 sào lúa cạn gần một tháng rồi mà cây lúa cao không quá gang tay. Ruộng lúa bị rầy áp nhưng không có nước để phun thuốc trừ rầy. Nếu tính khoản đầu tư tiền công cày bừa, phân thuốc, giống thì mất gần 1 triệu đồng. Chưa bao giờ chúng tôi lại khốn đốn vì thời tiết diễn biến thất thường như năm nay”. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa hiện có 1.000ha lúa cạn trên địa bàn huyện bị khô hạn.
Còn tại các xã Ea Bá, Ea Trol, Ea Bia của huyện Sông Hinh có gần 300ha lúa vụ mùa gieo trên vùng gò đồi đang bị khô nước, kém phát triển. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự nói lúa vụ mùa khó quản lý dịch bệnh, trong khi năng suất lại không cao, chỉ từ 30 đến 35 tạ/ha. Biết là vậy, nhưng đối với người dân miền núi họ sống nhờ vào cây lúa vụ mùa để ăn giáp hạt.
LÊ TRÂM