Vấn đề làm sao nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến nhiều lần tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014. Dẫn câu chuyện khách du lịch đến Việt Nam như một ví dụ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải sâu sát hơn nữa, quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.
Du khách nước ngoài đến TP Tuy Hòa - Ảnh: P.V |
Khi đánh giá chung về phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nói, “chúng ta so với chúng ta” thì phát triển tốt hơn, các chỉ tiêu đều đạt được kết quả tích cực so với mục tiêu đề ra. Trong 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, khả năng đạt và vượt 13 chỉ tiêu, còn 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt.
Những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo hướng ổn định, vững chắc hơn cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của các bộ, ngành, địa phương trong việc tập trung tháo gỡ cụ thể vướng mắc, khó khăn trong nền kinh tế.
Song không hài lòng về những kết quả ban đầu ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục nhận diện, rà soát những tồn tại đang nổi lên trong lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách như: Tổng cầu vẫn còn yếu, sản xuất còn khó khăn, nợ xấu còn lớn, giải ngân chậm… Cho rằng, đây là những vấn đề cần phải tiếp tục phải được xử lý quyết liệt, Thủ tướng yêu cầu mỗi bộ, ngành phải chủ động hơn nữa trong việc đưa ra những chính sách mới, để làm sao có thể đạt kết quả tốt hơn nữa, tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% là khả thi, “song chúng ta không dừng lại ở đây, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, nếu đạt được 6% thì quá tốt… Đạt 6% ở đây cũng là đạt vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, “chúng ta cần thấy những cái được của mình để phát huy, nhưng cũng cần thấy những cái chưa làm được so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra, so với các nước xung quanh. Từ đó thấy rõ tồn tại, hạn chế có nguyên nhân từ đâu, cách gì để chúng ta làm tốt, tránh tô hồng, hay bôi đen”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đưa ra ví dụ từ ngành du lịch, Singapore dân số 5 triệu người, năm nay khách du lịch đến là 16 triệu lượt người; Thái Lan khoảng 60 triệu dân, năm nay thu hút khoảng hơn 70 triệu khách du lịch. Còn Việt Nam mình, “ta so với ta” năm ngoái thu hút hơn 7 triệu du khách, năm nay có thể hơn năm ngoái.
“Vì sao ta không bằng Thái Lan được, chưa nói tới Malaysia, Singapore, Indonesia… mặc dù tiềm năng du lịch ta rất lợi thế. Vậy vì lý do gì? Do cơ sở hạ tầng, do nguồn nhân lực hay do cơ chế chính sách; hay do chúng ta chưa mở cửa hàng không; hay do cấp thị thực rườm rà quá. Người ta thì cấp tại sân bay, còn mình thì phải đến đại sứ quán...”, Thủ tướng trăn trở.
Trong câu chuyện cụ thể này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan (VH-TT-DL, Ngoại giao, Công an, GTVT) phải rà soát lại tất cả các thủ tục, mạnh dạn đề xuất, thực thi các chính sách cải cách từ việc cấp thị thực, gia hạn thời gian lưu trú, đến mở cửa hàng không… tạo thuận lợi nhất cho khách du lịch nhập cảnh, để du lịch Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực. Trên tinh thần phải đặt lợi ích của đất nước, của nền kinh tế lên đầu tiên.
Thủ tướng đề nghị từng Bộ trưởng, thành viên Chính phủ suy nghĩ, tính toán đưa ra các cơ chế chính sách thật cụ thể, để thu hút đầu tư cho công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...
Trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng, điều kiện thuận lợi cơ bản để phục hồi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thì vấn đề quan trọng là phải thu hút được nguồn vốn đầu tư từ xã hội, cả trong nước lẫn ngoài nước.
“Đơn cử, chúng ta muốn chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp để “ly nông bất ly hương” thì phải thu hút được doanh nghiệp (DN) về nông thôn. Mỗi huyện có thể tạo mặt bằng sạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN về mở nhà máy. Nếu DN cam kết đào tạo và nhận lao động địa phương vào làm việc thì ngân sách nhà nước sẽ cấp kinh phí đào tạo nghề cho DN. Những chính sách như vậy là hết sức cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tế”, Thủ tướng gợi mở.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải sâu sát hơn nữa, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.
Theo Chinhphu.vn