Do thiếu kinh phí, nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh chậm xử lý triệt để.
Phú Yên có 5 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64 ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Chi cục Môi trường (Sở TN-MT Phú Yên) hiện chỉ có 2 cơ sở là Nhà máy điện Tuy Hòa (Công ty Điện lực 3) và Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm, các cơ sở còn lại gồm: bãi rác Bình Kiến, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa và Trung tâm Y tế huyện Tuy Hòa (cũ) đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xử lý môi trường. Bệnh viện Đa khoa TX Sông Cầu, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, Trung tâm chuyên khoa Da liễu tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Lâm (TP Tuy Hòa) là những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đang triển khai các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
Theo Sở TN-MT, một trong những nguyên nhân dẫn đến các cơ sở trên chậm xử lý môi trường triệt để là do chậm hỗ trợ kinh phí từ Trung ương theo Quyết định số 58 ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích. Cụ thể, tỉnh có 4 dự án đăng ký hỗ trợ 50% vốn từ Trung ương để xử lý ô nhiễm là Bệnh viện Đa khoa TX Sông Cầu, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, Trung tâm chuyên khoa Da liễu tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Lâm, trong đó dự án Bệnh viện Đa khoa TX Sông Cầu đã tiếp nhận kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, do dự án này đã chuyển sang sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới nên UBND tỉnh xin chuyển khoản kinh phí này để hỗ trợ cho các dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác; 3 dự án còn lại, mặc dù nằm trong danh sách được Trung ương hỗ trợ, nhưng đến nay chưa nhận được vốn, do đó UBND tỉnh chưa bố trí vốn đối ứng. Khi nhận được kinh phí hỗ trợ, UBND tỉnh sẽ cân đối nguồn đối ứng phù hợp, đảm bảo thực hiện vốn đúng mục đích. Trong khi chờ đợi kinh phí, hầu hết các cơ sở trên đã tích cực trong việc hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn 2 kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) và xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu). Các cơ sở này cũng đã được UBND tỉnh giao cho Sở TN-MT khảo sát, đánh giá ô nhiễm, đềxuất phương án xử lý.
Trước thực trạng các cơ sở chậm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nói riêng, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung, trong năm 2015, UBND tỉnh ưu tiên vốn để đối ứng thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để; chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm ô nhiễm tại 2 kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại xã Hòa Kiến và Xuân Thọ 1. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ TN-MT tổ chức thông tin nhanh các nội dung sửa đổi cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; nghiên cứu, chỉnh sửa và ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có mức phí thẩm định và phê duyệt đề án cải tạo phục hồi môi trường; hướng dẫn kinh phí triển khai các nhiệm vụ đa dạng sinh học theo Luật Đa dạng sinh học... Tỉnh cũng đã thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ BVMT từ tỉnh đến huyện, xã; hỗ trợ kinh phí giúp tỉnh Phú Yên xử lý các điểm nóng về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, rác thải cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện; tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế đầu tư cho các địa phương để nâng cao trình độ, năng lực cán bộ trong lĩnh vực BVMT.
PHƯƠNG NAM