Chủ Nhật, 06/10/2024 12:30 CH
Cấp bách phòng trừ rệp sáp bột hồng
Thứ Năm, 25/09/2014 07:37 SA

Rệp sáp bột hồng gây hại sắn ở xã An Hải (huyện Tuy An) - Ảnh: L.TRÂM

Lần đầu tiên rệp sáp bột hồng trên cây sắn xuất hiện gây hại vùng trồng sắn ở các xã An Hải, An Hòa, An Cư và An Mỹ (huyện Tuy An). Đây là đối tượng rất nguy hiểm nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, sâu hại này sẽ phát tán, lây lan nhanh ra các vùng trồng sắn khác trong tỉnh. Báo Phú Yên phỏng vấn thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, về vấn đề này

 

Tại Việt Nam, tháng 6/2012 đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn ở tỉnh Tây Ninh với 75ha bị hại, nhưng đến tháng 5/2013 tỉnh Tây Ninh đã công bố dịch rệp sáp bột hồng do có từ 30% diện tích bị hại. Trong năm 2013, rệp sáp bột hồng đã lây lan sang nhiều tỉnh khác như Đồng Nai, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La. Năm 2014 tiếp tục ghi nhận sự gây hại của rệp sáp bột hồng tại Đắk Lắk và Phú Yên.

* Tính chất nguy hiểm và mức độ gây hại của rệp sáp bột hồng đối với vùng sản xuất sắn như thế nào, nguồn gốc của chúng có từ đâu, thưa ông?

 

- Đầu tháng 9 vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại sắn tại xã An Hải (huyện Tuy An) trên giống sắn KM 94 với diện tích khoảng 3ha. Tiến hành mở rộng khu vực điều tra, đơn vị ghi nhận sự gây hại của rệp sáp bột hồng tại các xã An Hòa, An Mỹ, An Cư với tổng diện tích sắn bị hại đến thời điểm này lên khoảng 15ha. Đến trung tuần tháng 9, đoàn kiểm tra gồm Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền Trung phối hợp Sở NN-PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành đánh giá tình hình rệp sáp bột hồng gây hại ở Tuy An đưa ra nhận định, rệp sáp bột hồng thực sự đã xuất hiện gây hại tại Phú Yên, đây là mối đe dọa nguy hiểm cho các vùng trồng sắn của tỉnh. Do chúng lây lan chủ yếu qua đường hom giống, qua các dụng cụ canh tác và nhờ gió mang đi nên khả năng rệp sáp bột hồng đã xuất hiện gây hại ở nhiều vùng khác trong tỉnh nhưng chưa được phát hiện và diện tích bị hại có thể cao gấp nhiều lần như hiện nay.

 

Rệp sáp bột hồng là loại sâu hại nguy hiểm, khó phòng trừ và là đối tượng sâu hại mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Phú Yên. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, sâu hại này sẽ phát tán, lây lan nhanh chóng ra các vùng trồng sắn ở các địa phương khác. Do tính chất nguy hiểm và nguy cơ gây hại nghiêm trọng của rệp sáp bột hồng đối với sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh nên việc triển khai sớm các biện pháp để ngăn chặn là hết sức cần thiết.

 

* Biện pháp quản lý, phòng ngừa sự lây lan của rệp sáp bột hồng như thế nào, thưa ông?

 

- Đây là đối tượng rất nguy hiểm cho vùng trồng sắn Phú Yên, do đó cần có những biện pháp để phòng trừ đối tượng này là hết sức cần thiết và cấp bách. Chi cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Sở NN-PTNT để sở có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm tổ chức, kiểm tra rệp sáp bột hồng ở các vùng sắn để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, ngành bảo vệ thực vật cũng đã và đang tiến hành tập huấn cho bà con vùng Tuy An để xác định nguyên nhân gây hại sắn từ đâu ra và hướng dẫn bà con biện pháp phòng ngừa. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với huyện Tuy An tiến hành tiêu hủy vùng sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng.

 

Với mức độ hại từ 30% trở lên thì tiêu hủy, dưới 30% có thể phun trừ bằng thuốc đặc hiệu và đúng cách theo hướng dẫn. Tiêu hủy phải rất chặt chẽ theo đúng quy trình 4 bước của Cục Bảo vệ thực vật: Điều tra khoanh vùng bị hại; nhổ, gom, đốt; sau đó tiến hành phun thuốc trên đồng ruộng bị rệp và phun rộng ra xung quanh vùng đệm với khoảng cách ít nhất 30m; sau 7 đến 10 ngày có thể phun nhắc lại một lần nữa nếu kiểm tra thấy rệp còn tồn tại.

 

* Vậy chi cục có khuyến cáo gì để nông dân phòng ngừa, ngăn chặn loại dịch hại này?

 

- Bên cạnh tiến hành tiêu hủy vùng sắn bị rệp sáp bột hồng nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng và trên bình diện chung, chúng tôi khuyến cáo nông dân rằng rệp sáp bột hồng này rất nguy hiểm, nếu chúng ta không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến việc trồng sắn của Phú Yên.

 

Rệp sáp bột hồng phòng trừ khó, nên chúng tôi khuyến cáo bà con phải quản lý ngay từ đầu. Trước tiên là nguồn hom giống, nông dân không sử dụng hom giống từ vùng bị rệp sáp bột hồng. Trước khi đưa giống về trồng, chúng ta phải xử lý bằng các loại thuốc theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật. Khi đi sang vùng có rệp sáp bột hồng nên cẩn thận, tránh mang nguồn rệp sáp đi về ruộng sắn của mình. Ngoài ra cần chú ý, do sự lây lan của chúng qua gió nên chúng ta sẽ không lường trước được rệp sáp bột hồng có khả năng gây hại trên ruộng mình hay không, nên phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời và thông báo cho cơ quan chức năng để hướng dẫn phòng trừ.

 

* Xin cảm ơn ông!

  

LÊ TRÂM (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek