Dù từ năm 2008 đến nay, tỉnh Phú Yên đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng để triển khai các dự án chống sạt lở các bờ sông và thoát lũ bảo vệ khu dân cư tại các địa phương trong tỉnh, nhưng tình trạng sạt lở bờ sông vẫn diễn ra với mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc, tỉnh đang cần hơn 2.322 tỉ đồng để xây dựng khoảng 46,45km kè chống sạt lở bờ sông, vượt khả năng của tỉnh.
“Thời gian qua, việc quản lý khai thác cát trên sông của các địa phương trong tỉnh còn lỏng lẻo. Người dân tự ý canh tác, xây dựng chuồng trại nuôi gia súc trên các cồn cát giữa sông làm cản trở dòng chảy diễn ra phổ biến. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương sớm xử lý nghiêm các trường hợp này. Đối với tình trạng sạt lở các bờ sông, các địa phương cần lập quy hoạch, đánh giá cụ thể tình hình sạt lở của từng đoạn sông để tỉnh có cơ sở ưu tiên đầu tư”. (Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc) |
NHIỀU VỊ TRÍ SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đê, kè bị sạt lở nghiêm trọng cần tiếp tục đầu tư xây dựng. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Hà Trung Kháng cho biết: Từ năm 1993 đến nay, sông Ba đã gây sạt lở, xói mòn và xâm thực trên 150ha đất nông nghiệp và đe dọa đến tính mạng, nhà cửa của trên 1.500 hộ dân trong huyện. Tại khu vực thôn Phú Sen Tây (xã Hòa Định Tây), có khoảng 2.000m bờ sông bị sạt lở nặng. Tại thôn Phú Lộc (xã Hòa Thắng), dù trước đây đã được tỉnh đầu tư vốn xây dựng khoảng 1km kè, nhưng hiện nay bờ sông gần đoạn kè này tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Đối với khu vực Soi Làng (thị trấn Phú Hòa), dòng chảy của sông Ba gây sạt lở hơn 500m, cuốn trôi hơn 1,6ha đất sản xuất của người dân. Đối với đoạn sông Ba từ thôn Vĩnh Phú đến cầu Đà Rằng mới (xã Hòa An), dòng chảy của sông đã gây sạt lở với chiều dài hơn 5km… Trước tình hình này, huyện đã có tờ trình kiến nghị tỉnh xem xét, sớm bố trí vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng kè tại những vị trí sạt lở, nhằm ổn định đời sống người dân.
Tình trạng sạt lở bờ sông Ba cũng xảy ra tại huyện Sông Hinh, trong đó nặng nhất tại khu vực buôn Mả Vôi và các thôn Tân Bình, An Hòa (xã Đức Bình Tây); khu vực xã Đức Bình Đông với chiều dài khoảng 7km, độ sâu các điểm sạt lở từ 30 đến 70m, có nơi sạt lở đến hàng trăm mét. Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Tình trạng bờ sông sạt lở xảy ra rất nghiêm trọng, nhưng đến nay trên địa bàn huyện vẫn chưa có dự án đầu tư xây dựng kè nào được triển khai.
Còn tại huyện Đồng Xuân, tình trạng sạt lở bờ sông Kỳ Lộ diễn ra nghiêm trọng vào mùa mưa. Ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, kiến nghị: Tỉnh cần sớm triển khai tiểu dự án Kè bờ tả tại khu vực cầu La Hai mới thuộc dự án Hệ thống thoát lũ bảo vệ dân cư dọc sông Kỳ Lộ. Đồng thời cần quan tâm đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Kỳ Lộ đoạn qua các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 2, Phú Mỡ.
Tình trạng sạt lở bờ sông Ba đoạn qua xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) ngày càng nghiêm trọng - Ảnh: N.CHUNG |
VƯỢT KHẢ NĂNG VỐN
Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư nhiều dự án kè chống sạt lở ở nhiều con sông trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 1.011 tỉ đồng. Các công trình đê, kè hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rất tốt, như: kè chống xói lở hạ lưu sông Tam Giang (TX Sông Cầu); hệ thống thoát lũ bảo vệ dân cư dọc sông Ba các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa; nạo vét, cải tạo thoát lũ sông Bánh Lái các huyện Tây Hòa và Đông Hòa... |
Theo Ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh, dự án Hệ thống thoát lũ bảo vệ dân cư dọc sông Ba các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa đang triển khai 2 tiểu dự án gồm: kè chống xói lở bờ bắc thôn Phú Lộc (huyện Phú Hòa) dài khoảng 2km và kè chống xói lở thôn Thạch Bàn (huyện Tây Hòa) dài khoảng 1,6km. Hai tiểu dự án này có tổng mức đầu tư hơn 212 tỉ đồng, thực hiện trong năm 2014 và 2015. Dự án Hệ thống thoát lũ bảo vệ dân cư dọc sông Kỳ Lộ các huyện Đồng Xuân, Tuy An thì đang triển khai 2 tiểu dự án. Trong đó, tiểu dự án Kè bờ tả tại khu vực thượng lưu đập Ông Tấn (huyện Tuy An) dài khoảng 700m, kinh phí xây dựng khoảng 44 tỉ đồng. Tiểu dự án Kè bờ tả tại khu vực cầu La Hai mới (huyện Đồng Xuân) có kế hoạch xây dựng hơn 1,48km, với tổng kinh phí khoảng 81 tỉ đồng. Ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh, cho biết: “4 tiểu dự án trên được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với kinh phí 150 tỉ đồng nhằm chống sạt lở, ổn định bờ sông, bảo vệ tính mạng, tài sản, đất sản xuất của người dân và cơ sở hạ tầng trong khu vực, góp phần ổn định đời sống người dân trong vùng. Dự kiến 4 tiểu dự án này được triển khai trong quý IV/2014 và hoàn thành vào cuối năm 2015”.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết, hiện các khu vực xung yếu dọc các sông trong tỉnh cần phải xây dựng 46,45km kè chống sạt lở, với tổng vốn đầu tư hơn 2.322 tỉ đồng, vượt khả năng của tỉnh. Trong điều kiện nguồn vốn để xây dựng kè còn hạn hẹp, việc tìm giải pháp kiên cố các bờ sông bằng giải pháp phi công trình là việc làm rất cần thiết. Giải pháp này dù mang tính tạm thời, nhưng đòi hỏi có sự đóng góp tích cực của người dân bằng cách nạo vét khơi thông dòng chảy, không canh tác trên các cồn cát giữa sông gây cản trở dòng chảy. Bên cạnh đó, các địa phương và sở, ngành liên quan cần ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi làm thay đổi dòng chảy. Tiến hành trồng cỏ, tre 2 bên bờ sông để gia cố bờ; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn… Ngoài ra, trên các hệ thống sông còn có các hồ chứa nước nên việc điều tiết nước của mỗi hồ hoặc liên hồ trên các sông thông qua các công trình thủy điện, thủy lợi để hạn chế tối đa lũ trên sông vào mùa mưa và đảm bảo dòng chảy tối thiểu vào mùa khô cũng là việc làm cần thiết.
Qua đợt giám sát đê, kè trên địa bàn tỉnh vừa qua, bà Đặng Thị Kim Chi, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, cho biết: “Các dự án, tiểu dự án mà tỉnh đã triển khai từ năm 2008 đến nay nhằm khắc phục tình trạng sạt lở các bờ sông, thoát lũ bảo vệ khu dân cư trong tỉnh đã phát huy tốt hiệu quả trong việc ổn định đời sống người dân và tạo cảnh quan môi trường trong vùng. Đặc biệt, dự án Kè chống xói lở hạ lưu sông Tam Giang (TX Sông Cầu) ngoài việc chống sạt lở, công trình này còn góp phần tạo nên diện mạo mới cho thị xã”.
ANH NGỌC