Thời gian qua, cánh đồng ven biển thường bị nhiễm mặn, nhiều diện tích lúa ngã rạp do nước biển xâm thực. Để tạo ra giống lúa chịu mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành trồng khảo nghiệm 21 giống lúa chịu mặn. Sau 2 vụ đã chọn ra 3 giống có tính chịu mặn cao đưa vào sản xuất vụ đến.
CHỌN ĐƯỢC 3 GIỐNG LÚA CHỊU MẶN CAO
Liên tiếp trong 2 vụ lúa vừa qua (đông xuân 2013-2014, hè thu 2104), tại cánh đồng các xã An Hòa, An Ninh Tây (huyện Tuy An), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành trồng khảo nghiệm bộ giống gồm 21 giống lúa. Đây là bộ giống lúa được chọn từ 2 nguồn: H (Huế) của Trường đại học Nông lâm Huế và GSR (siêu lúa xanh) của Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh với giống đối chứng ML49 trồng phổ biến tại địa phương.
Diện tích ruộng khảo nghiệm là 2.000m2 (mỗi xã 1.000m2) và được phân ra 2 nhóm kỹ thuật, mỗi nhóm có 3 cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và 1 cán bộ địa phương. Trong suốt vụ trồng khảo nghiệm, nhóm kỹ thuật ghi lại các số liệu điều tra, đặc tính nông học của các giống lúa từng giai đoạn, từ khi lúa bén rễ đến đẻ nhánh rồi trổ đòng. Theo điều tra của nhóm kỹ thuật, độ mặn ở ruộng khảo nghiệm 7 ngày sau sạ lên đến 1,73%o, đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa ở giai đoạn mạ. Thế nhưng, các giống khảo nghiệm đều có thời gian bén rễ 4 đến 5 ngày sau cấy, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh sớm, tỉ lệ số nhánh hữu hiệu thành bông cao, dẫn đến tăng năng suất. Chị Nguyễn Thị Xuân Tình, đại diện nhóm kỹ thuật ở ruộng thực nghiệm xã An Hòa, cho hay: “Các giống đều đẻ nhánh tối đa 42 ngày sau cấy, chỉ có giống GSR99 tối đa là 49 ngày. Giống đẻ nhánh cao nhất là giống GSR99 với 15,2 nhánh/khóm (bụi), giống đẻ nhánh thấp nhất là giống GSR90 với 6,4 nhánh/khóm, so với giống đối chứng ML49 là 8,3 nhánh/khóm. Tỉ lệ nhánh hữu hiệu của các giống khảo nghiệm đạt từ 63 đến 90,9%. Từ việc nghiên cứu đẻ nhánh của cây lúa để gieo cấy mật độ thích hợp, giảm tối đa tỉ lệ nhánh vô hiệu, giảm tiêu hao phân bón.
Thời gian sinh trưởng của cây lúa là một trong những chỉ tiêu để chọn giống cơ cấu vào sản xuất. Qua kết quả theo dõi cho thấy, các giống lúa khảo nghiệm có thời gian sinh trưởng từ 117 đến 137 ngày, so với giống đối chứng ML49 là 119 ngày. Sâu bệnh hại là yếu tố quyết định năng suất, lợi nhuận sau này, trong đó, đáng chú ý là bệnh đạo ôn thường xuất hiện ở vụ đông xuân. Qua theo dõi các giống ở ruộng khảo nghiệm, chỉ có giống GSR66 xuất hiện bệnh đạo ôn nhưng tỉ lệ rất thấp. Bệnh đốm nâu xuất hiện trên các giống nhưng tỉ lệ bệnh cũng rất thấp.
Cuối vụ năng suất thực thu các giống lúa khảo nghiệm đạt từ 13,7 đến 74 tạ/ha, trong đó giống GSR66 đạt cao nhất với 74 tạ/ha, cao hơn so với giống đối chứng 8,9 tạ/ha; thấp nhất là giống GSR99 với 13,7 tạ/ha thấp hơn so với giống đối chứng 51,4 tạ/ha. Các giống H2, H7, H5, GSR99, GSR65, GSR39, GSR100 và ĐV2 đều chênh lệch so với giống đối chứng.
Từ cơ sở số liệu điều tra theo đặc tính của giống và điều kiện ngoại cảnh tác động trên cùng một điều kiện canh tác, qua 2 vụ trồng khảo nghiệm, nhóm kỹ thuật đã chọn ra 3 giống lúa H11, GSR50, GSR65 có tính chống chịu mặn cao đưa vào sản xuất đại trà trong thời gian đến.
SẼ ĐƯA VÀO SẢN XUẤT ĐẠI TRÀ
Từ nhiều năm nay, cánh đồng xã An Ninh Tây thường bị nhiễm mặn do nước biển xâm thực nên nhiều diện tích lúa trong giai đoạn đẻ nhánh đang phát triển tươi tốt thì ngã rạp. Ông Võ Quang Hưng, Phó giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Ninh Tây, cho biết: “Nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền với nồng độ cao hơn, vì vậy phải tạo ra giống lúa chống chịu mặn mới mang lại hiệu quả. Trước đây, nhiều thửa ruộng bị ngập mặn mất trắng, rủi ro về kinh tế cho nông dân rất lớn”.
Đối với cánh đồng xã An Hòa, tình hình nhiễm mặn tiềm tàng trong đất, những thửa ruộng mùa nắng khô nước để lại lớp muối trong đất. Theo nghiên cứu của nhóm kỹ thuật, độ mặn ở đây lên đến 10%o, quá sức chịu đựng của cây lúa. Lâu nay, cái khó đối với nông dân canh tác trên cánh đồng này là không có giống chịu mặn để gieo sạ. Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho hay: Khu vực ruộng nhiễm mặn, bà con nông dân đặt máy bơm nước ngọt từ các ao vào ruộng để rửa mặn, đồng thời phun thuốc dưỡng nhưng giống lúa trồng ở địa phương lâu nay không chịu nổi độ mặn cao nên phát triển kém, còi cọc. Còn khi trổ, do quá trình phân hóa đòng bị nhiễm mặn nên bông lúa hoại tử. Phòng NN-PTNT huyện đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục khảo nghiệm các bộ giống mới tại các vùng trồng lúa bị nhiễm mặn để chọn ra những giống lúa chống chịu mặn tốt.
Thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có khoảng 600ha bị nhiễm mặn, trong đó, huyện Tuy An có diện tích lúa nhiễm mặn nhiều nhất, với 300ha tập trung ở các xã An Hòa (80ha), An Cư (30ha), An Ninh Đông (70ha), An Ninh Tây (30ha), An Hiệp (60ha) và An Mỹ (30ha). Thời điểm ảnh hưởng triều cường nhẹ, năng suất lúa ở vùng này chỉ đạt từ 30 đến 50 tạ/ha, ảnh hưởng nặng chỉ đạt từ 10 đến 20 tạ/ha, có nơi mất trắng. Chi phí sản xuất ở các chân ruộng bị nhiễm mặn tăng cao do triều cường ngập lúc đầu vụ nên phải sạ lại 2 đến 3 lần.
Thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Mực nước biển xâm thực đã làm tăng thêm diện tích lúa bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất và sản lượng nông nghiệp. Vì vậy, việc chọn tạo giống lúa có khả năng chịu mặn để đảm bảo an toàn lương thực, tăng thu nhập cho người nông dân tại vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là cần thiết. Qua theo dõi, khảo sát và đánh giá của các chuyên gia, trong 21 giống trong bộ giống lúa chịu mặn được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai khảo nghiệm trong thời gian qua, có 3 giống lúa gồm H11, GSR50, GSR65 chịu được mặn, phát triển tốt và cho năng suất cao, thời gian đến sẽ đưa vào sản xuất đại trà.
MẠNH HOÀI NAM