Tết Trung thu là lúc mà các sản phẩm bánh kẹo, đặc biệt là bánh trung thu được tiêu thụ mạnh. Để làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế xảy ra ngộ độc trong dịp Tết Trung thu, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh các loại bánh kẹo, kem, đồ uống trên địa bàn tỉnh.
NGUY CƠ MẤT AN TOÀN THỰC PHẨM
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại bánh trung thu, trong đó chiếm đa số vẫn là sản phẩm của các doanh nghiệp có thương hiệu như: Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh, Thu Hương, Hữu Nghị... Bên cạnh đó, bánh trung thu không rõ nguồn gốc vẫn đang được bày bán trên thị trường. Người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 15.000 đồng là mua được một chiếc bánh nướng hoặc bánh dẻo với đầy đủ hương vị. Song, các loại bánh này thường không ghi rõ nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng hoặc ghi hạn sử dụng là 30 ngày, nhưng không ghi ngày sản xuất. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, các sản phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm với các nguyên nhân sau: Do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận cao nên một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo; cơ sở sản xuất chật hẹp, nhân viên không được khám sức khỏe, nặn bánh trực tiếp bằng tay chưa rửa sạch. Nhằm vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh hình các con vật nhiều màu sắc từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người ăn.
Nguyên liệu làm nhân bánh trung thu thường có trứng, thịt, xúc xích, lạp xưởng... là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển. Với bánh dẻo, trung bình hạn dùng chỉ từ 8 đến 10 ngày, với bánh nướng có thể tới 20 đến 30 ngày, song nhãn sản phẩm của nhiều cơ sở chưa đảm bảo theo đúng quy định. Mặt khác, do điều kiện môi trường, khí hậu nóng, nhiều khói bụi, giấy bao gói chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh, lưu thông phân phối đi nhiều vùng xa xôi... nên bánh trung thu dễ bị ô nhiễm, biến tính, dễ hư hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ bánh.
Đứng trước những lo ngại lớn nhất về bánh trung thu là chứa nhiều chất bảo quản khiến bánh để lâu ngày mà không ảnh hưởng gì, rất nhiều người đã lựa chọn mua bánh tự làm của những người quen biết hoặc những người quảng cáo qua internet để đảm bảo vệ sinh và tránh chất bảo quản. Thế nhưng, rất khó để coi rằng đây là lựa chọn thông minh của người tiêu dùng vì quy trình làm bánh của các cá nhân tự làm này chưa được kiểm chứng là có thực sự an toàn hay không và họ có sử dụng chất bảo quản không.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, vào dịp Tết Trung thu, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, các sở, ngành liên quan tăng cường giáo dục, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất bánh trung thu tự giác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh, buôn bán cần đảm bảo các điều kiện bảo quản bánh trung thu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ...
Mới đây, tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu. Thời điểm này, 3 đoàn thanh tra liên ngành cũng đang kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, ưu tiên các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt kẹo; bia, rượu, nước giải khát. Riêng đoàn do Sở Y tế phụ trách đã có buổi kiểm tra đột xuất tại Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa. Kết quả cho thấy, đơn vị này thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự kiến tuần tới, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra khoảng 20 cơ sở.
Cũng theo ông Tâm, nét mới của đợt kiểm tra này là kiểm tra đột xuất, không theo kế hoạch báo trước. Các đoàn tập trung kiểm tra về tiêu chuẩn sản phẩm, công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm; ghi nhãn sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm; chất lượng sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm; việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm. Bên cạnh đó, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người); quy trình chế biến bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; lưu mẫu thức ăn; đảm bảo nước sạch dùng cho chế biến thực phẩm.
Ngoài thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm, các huyện, thị xã, thành phố, còn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiêm cấm việc sử dụng chất bảo quản, phẩm màu độc hại trong sản xuất bánh; hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn các loại bánh kẹo an toàn hợp vệ sinh. Điều này nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo.
Theo các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm, người mua bánh trung thu cần phải cẩn thận lựa chọn các loại bánh đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng không mua hay sử dụng các loại bánh kẹo không có nhãn mác, hết hạn sử dụng; nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có uy tín đã có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý và xem xét kỹ ngày sản xuất, hạn sử dụng; bánh trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm thấp rất dễ bị mốc, hư hỏng dù còn hạn sử dụng nên phải kiểm tra kỹ trước khi mua. |
VŨ HOÀNG