Thứ Tư, 27/11/2024 03:38 SA
Để cứu cảnh quan đầm Ô Loan:
Nên trồng rừng ngập mặn kết hợp mở du lịch miệt vườn đầm
Thứ Năm, 03/05/2007 07:00 SA

Lâu nay, ở khu vực đầm Ô Loan, một thắng cảnh quốc gia tại huyện Tuy An, phong trào nuôi tôm tự phát ồ ạt, thiếu quy hoạch làm phá vỡ cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường. Qua quá trình tham khảo một số tài liệu, thực tiễn của một số nơi, tôi xin đề xuất với các cấp quản lý, các ngành ở Phú Yên một số vấn đề liên quan đến việc quy hoạch, đầu tư, phát triển trên khu vực đầm Ô Loan.

 

070502-phong-canh.jpg

Đầm Ô Loan - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Về cơ bản, nên giữ nguyên hiện trạng hiện nay, kiên quyết không cho phát triển thêm ao đìa nuôi tôm sú. Cần xem xét cụ thể, xác định số ao đìa cho phép nuôi theo từng hình thức: nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh hay nuôi công nghiệp để quy hoạch cụ thể, qua đó giao cho địa phương tổ chức quản lý sau khi thực hiện qui hoạch.

 

Các khu vực ven đầm có thể quy hoạch và triển khai dự án trồng rừng ngập mặn. Rừng này là lá phổi của đầm, tạo cảnh quan, giúp cho các loài thủy sản sinh sản, phát triển và nhằm thực hiện tốt hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu vực đầm. Số ao đìa sau khi xác định phải giải tỏa; nên giữ nguyên hiện trạng, có cơ chế chính sách giao hoặc cho thuê đất mặt nước lại cho người dân trồng, quản lý rừng ngập mặn trong chính diện tích ao đìa của họ.

 

Các ao đìa phải giải tỏa hiện nay chủ yếu là hồ hở nên điều kiện thuận tiện cho nước ra vào để phát triển nuôi trồng hữu cơ. Các ao đìa này tổ chức giao cho người dân trồng rừng ngập mặn như chương trình giao đất giao rừng của lâm nghiệp. Sau đó cho người dân được tự quản lý, nuôi quảng canh, thu hoạch các loại thủy sản trong ao đìa này. Thực hiện theo cách trên giải quyết được một số vấn đề như: Thứ nhất, tạo việc làm cho chính người dân đã đầu tư ao đìa này mà không phải thực hiện các chế độ chính sách khi chuyển đổi nghề của họ sang hoạt động khác. Quá trình trồng rừng ngập mặn đã tự tạo cho họ có việc làm (trồng rừng) sau đó người dân lại thả các đối tượng thủy sản nuôi quảng canh trên chính diện tích này và họ thu lợi từ việc nuôi đó (như khai thác hàu ở bờ đá ngay tại ao đìa, khai thác tôm đất, ghẹ, cá các loại… ở ngoài tự nhiên vào ao đìa trú ngụ sinh sản hay thả thêm các đối tượng nuôi khác).

 

Thứ hai, không tạo cho người dân tâm lý bức xúc là bị mất ao đìa do chính họ đã tạo lập ra, giúp cho người dân có sự đồng tình cao trong quá trình thực hiện để dự án thành công.

 

Thứ ba, Nhà nước không phải mất kinh phí bồi thường cho người có ao đìa nếu giải tỏa (bờ kè và đất đắp bờ) mà thay vào đó là sử dụng một phần kinh phí này để đào tạo, hướng dẫn và trả công trồng, chăm sóc rừng ngập mặn cho người dân.

 

Thứ tư, sau khoảng 3 năm, toàn bộ các cây được trồng như sú, vẹt… sẽ phủ xanh tất cả các ao đìa, mặt đầm không bị cảm giác nuôi trồng thủy sản phá vỡ quy hoạch du lịch, mà còn tôn thêm vẻ đẹp cho thắng cảnh đầm Ô Loan.

 

Tương lai, trên các ao đìa này có thể mở loại hình du lịch miệt vườn đầm. Nếu chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích người dân mở các lều dưới các lùm cây ngập mặn để du khách ngồi câu, thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức đặc sản của đầm Ô Loan, thì loại hình này sẽ hứa hẹn “hút” khách.

 

NGUYỄN VĂN DO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek