Trong những năm qua, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) được Phòng NN-PTNT huyện chọn làm mô hình điểm, sản xuất lúa lai. Mô hình này có năng suất bình quân trên 72 tạ/ha, thậm chí có giống lúa đạt gần 100 tạ/ha, đang được nhân rộng ra toàn huyện.
Vụ lúa hè thu 2014, xã Đức Bình Tây đưa vào sản xuất các giống lúa lai Nam Ưu 1051, Nam Ưu 1202, Xuyên Hương 178, Đắc Ưu 11, ZZD001… Hiện lúa gần 40 ngày tuổi, mặc dù thời tiết khắc nghiệt nắng nóng nhưng lúa vẫn phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Lý trồng lúa lai ở xã Đức Bình Tây cho hay: “Đây là vụ thứ 3, gia đình tôi sản xuất lúa lai, áp dụng sạ hàng, sạ thưa. Mô hình này giảm chi phí, hạn chế sâu bệnh nên lãi cao. Còn trước đây sản xuất lúa theo cách truyền thống sạ dày, bón phân nhiều, chi phí đầu tư lớn nên cuối vụ chỉ lấy công làm lời”.
Trước đó, vụ đông xuân năm 2013-2014, xã Đức Bình Tây đưa vào khảo nghiệm sản xuất các giống lúa lai nói trên, mỗi giống sản xuất trên diện tích 1.000m2. Kết quả năng suất bình quân đạt 72 tạ/ha, cá biệt có những thửa ruộng đạt trên 100 tạ/ha. Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, chi phí sản xuất lúa lai khoảng 23,1 triệu đồng/ha, năng suất đạt 72,5 tạ/ha. Với giá bán lúa thương phẩm 5.500 đồng/kg, lãi 16,7 triệu đồng/ha, trong khi đó sản xuất lúa thuần chỉ lãi 5,8 triệu đồng/ha.
Thấy mô hình sản xuất lúa lai mang lại hiệu quả cao, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã tiếp cận, làm theo. Ông Ksor Y Lanh ở Đức Bình Tây cho hay: “Nhờ áp dụng mô hình sản xuất lúa lai, tham gia các buổi tập huấn nên tôi biết được kỹ thuật từ khâu làm đất, ngâm ủ giống, đến sạ lúa theo hàng cũng như khâu chăm sóc lúa và phòng trừ một số sâu bệnh hại. Hiện tại, lúa của gia đình tôi đang phát triển tốt”.
Bên cạnh các giống lúa lai trên, với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh đã đưa các giống lúa ĐS1, Akita Komachi và Hananomai có nguồn gốc từ Nhật Bản thí điểm trồng trên cánh đồng xã Đức Bình Tây. Vụ đông xuân 2013-2014, giống lúa có nguồn gốc từ Nhật Bản được trồng trên vùng đất này với diện tích 3.000m2, nông dân tham gia mô hình được công ty hỗ trợ giống, phân bón và cuối vụ năng suất thực thu khô đạt 86,4 tạ/ha. Còn vụ hè thu năm nay, theo nhận định của Phòng NN-PTNT huyện, các cánh đồng đều bị nắng nóng kéo dài nhưng giống lúa của Nhật Bản trồng thử nghiệm chống chịu tốt, không bị bệnh, lá xanh mượt, khả năng năng suất lúa sẽ đạt cao.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Từ hiệu quả của mô hình trồng lúa lai ở xã Đức Bình Tây, huyện đã nhân rộng ra sản xuất với diện tích 108,3ha, tập trung ở các xã Ea Bar 20ha, Ea Trol 20ha, Ea Bia 25ha, Ea Ly 20ha, còn lại là xã Ea Lâm, Sông Hinh với các giống lúa lai TH3-3, Syn 6, Xuyên Hương 178… Để mô hình này tạo được niềm tin trong nhân dân, Phòng NN-PTNT huyện phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, bám sát địa bàn, đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn trong công tác vận động, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời.
LÊ TRÂM