Vùng trồng khóm Đồng Dinh rộng gần 500ha trải dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa). Chạy dọc theo suối Cái, gần 200 hộ trồng khóm ở đây sống tạm trong căn chòi thấp lè tè, lao động dưới nắng nóng nhưng họ có niềm vui vì mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng khóm.
CHUYỂN KHÓM BẰNG RÒNG RỌC
Tờ mờ sáng, anh Nguyễn Văn Tấn cùng vợ Trần Thị Mai có mặt tại rẫy khóm Đồng Dinh. Đến nơi, hai vợ chồng chui vào chòi, chồng lấy lưỡi liềm còn vợ đặt thức ăn dỡ sẵn trên cái sạp, đậy tủ cẩn thận rồi cả hai lên đồi cao hái khóm. Anh Tấn nói: “Tranh thủ hái khóm khi trời còn mát, chứ cái nắng ở trên núi cao cỡ 10 giờ là sức nóng của đá bốc lên, trước mắt nhá lên triệu triệu đom đóm lửa”.
Quê ở xã Hòa Thắng, để lên được trên này lúc mờ sáng tranh thủ hái khóm, vợ chồng anh thức giấc lúc 4 giờ, lục đục nấu cơm rồi gom các bao tải cuốn lại buộc chặt trên xe, bắt đầu “hành trình” lên rẫy.
9 giờ sáng, anh Trần Văn Long cùng vợ Nguyễn Thị Lan, ở xã Hòa Quang Nam mồ hôi nhễ nhãi hì hục chất đầy bao tải khóm. Chị Lan “xuống núi” trước, đứng “phơi nắng” cạnh căn chòi. Anh Long từ trên đồi cao treo bao tải khóm vào dây cáp thả ròng rọc từ đỉnh xuống chân đồi. Trong lúc thả, anh dùng sức ghì chặt dây cho bao tải chạy trên dây cáp chậm lại và dừng đúng ngay điểm cuối gần căn chòi nơi chị Lan chờ sẵn tháo dây cho bao tải khóm rời khỏi dây cáp rồi chuyển vào chòi. “Nhờ nghĩ ra cách vận chuyển khóm như vậy mà đỡ tốn sức, chứ trước đây cứ vác bao khóm nặng trên 50kg xuống dốc đứng toàn đá dăm, không thể mang dép, đôi chân trần bấu xuống đá mới giữ được thăng bằng. Đến nơi rồi leo ngược lên dốc cao, lặp đi lặp lại như vậy mệt bã người”, anh Long nói.
“ÉP” KHÓM RA TRÁI
Ông Đào Thanh Trọng ở thị trấn Phú Hòa, có rẫy khóm tại Đồng Dinh rộng 10ha, trung bình hằng năm thu trên 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi còn 70 triệu đồng/ha. “Gần 10 năm qua, ngày nào tôi cũng lên đây chăm sóc và thu hoạch khóm. Năm nay khóm bị bệnh héo đỏ lá, tuy giảm năng suất nhưng giá ổn định. Hết mùa thu hoạch, vợ chồng tôi lên trên này làm cỏ, bón phân; sáng đi chiều về, trưa thì ngủ nghỉ trong căn chòi”, ông Trọng nói.
Khóm thích hợp trồng trên khu vực đồi dốc, rất dễ sống, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Theo nhiều người trồng khóm, ngoài đầu tư mua đất ban đầu, những năm còn lại vốn đầu tư trồng khóm không cao. Đối với khóm tơ chi phí phân bón 10 triệu đồng, khóm gốc 15 triệu đồng/ha, còn lại chủ yếu công lao động gia đình. Thông thường trồng một lần khóm tơ “ăn” nhiều lứa, khóm gốc “ăn” tiếp theo ít nhất cũng 5 năm. “Nhờ trồng khóm mà nhiều người dân ở đây đã thoát nghèo, hộ trồng ít nhất thu cỡ 50 triệu đồng/năm, có người trồng nhiều xây được nhà lầu mua cả xe tải” chị Thái Thị Dung, một người trồng khóm ở Đồng Dinh chia sẻ.
Sau khi thu hoạch vụ chính khóm gốc, những cây khóm “sung sức” phát triển tốt, người trồng “tạo điều kiện” cho khóm ra trái mùa. Theo kinh nghiệm các nông dân, để “ép” khóm ra trái thì dùng chất cặn gió đá (acetylen) pha với rượu rồi hòa với nước tưới lên ngọn khóm, 5 tháng sau sẽ thu hoạch được trái. Cứ 1ha trồng 3 vạn cây khóm, trong đó lựa khóm tốt “ép” cho ra 1 vạn trái, với giá hiện nay 8.000 đồng/trái, sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón thì số tiền thu về trên 50 triệu đồng. Như vậy, ngoài vụ khóm chính thì việc đầu tư “ăn” lứa khóm trái mùa, nhiều người trồng khóm thu nhập cao.
Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa: Khóm Đồng Dinh với đặc điểm tiểu vùng khí hậu, khóm có vị ngọt thanh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hạ tầng về giao thông, điện nước của vùng trồng khóm này chưa được đầu tư để triển khai dự án Khóm Đồng Dinh. Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư, việc trồng khóm ở đây sẽ hình thành một vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: Theo các tài liệu nghiên cứu thì acetylen có trong tất cả các mô của cây và là một sản phẩm tự nhiên của quá trình trao đổi chất ở trong cây. Acetylen có tác dụng làm quả mau chín được sản sinh mạnh trong quá trình chín và rút ngắn thời gian chín của quả (trái). Như vậy acetylen là chất tự nhiên có trong thực vật nên không gây độc. |
MẠNH HOÀI NAM