Thứ Ba, 26/11/2024 11:39 SA
Thực hiện nhiều biện pháp chống hạn
Thứ Năm, 17/07/2014 08:02 SA

Cả thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) phải dùng chung 2 giếng nước gần kiệt nước - Ảnh: P.NAM

Nắng nóng kéo dài và ngày càng diễn biến phức tạp đã khiến hơn 4.000 hộ dân trong toàn tỉnh, trong đó có 2.700 hộ dân huyện Đồng Xuân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tình trạng này cũng đã làm cho hàng ngàn héc ta mía, sắn trồng ở vùng gò đồi héo úa. Đậu phộng, bắp trồng ven sông cũng bị rũ lá do không còn nước ngầm nên không thể bơm tưới. Sông hồ đang ở mực nước chết.

 

NGƯỜI THIẾU NƯỚC UỐNG

 

Theo thống kê của các địa phương, hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong đó tập trung ở một số xã thuộc huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Đặc biệt, huyện Đồng Xuân là địa phương chịu nắng hạn gay gắt kéo dài nhất tỉnh Phú Yên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở hầu hết các xã, chủ yếu là những địa bàn không có công trình cấp nước, người dân sử dụng giếng đào. Nhiều tháng qua, mạch nước ngầm tại nhiều giếng nước đã bị khô kiệt, đẩy người dân lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, đến thời điểm này đã có hơn 2.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; trong đó, xã Phú Mỡ 133 hộ (chủ yếu ở thôn Phú Đồng), Xuân Lãnh 414 hộ, Xuân Phước 801 hộ, Xuân Quang 1 có 810 hộ, Xuân Quang 2 có 562 hộ”. Nhiều ngày qua, cả thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ, hàng ngày người dân phải vượt gần 8km xuống sông Bà Đài gùi từng can nước về để dùng.

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh gieo trồng hơn 100 ngàn héc ta cây hàng năm, giảm gần 7% so cùng kỳ. Diện tích mía trồng trên 20.000ha, giảm 12%; sắn 14.700ha giảm 20% so cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến diện tích gieo trồng các loại cây đều giảm là do thời tiết từ đầu năm đến nay nắng nóng liên tục kéo dài, khô hạn cục bộ đã xảy ra, nhất là ở khu vực miền núi gây bất lợi cho việc xuống giống các cây trồng cạn.

Mặc dù được Nhà nước đầu tư 8 giếng đào, nhưng hiện thôn Phú Hải (thuộc xã Phú Mỡ) chỉ còn 2 giếng còn nước dùng tạm để uống. Hàng ngày, 53 hộ dân với 277 nhân khẩu phải xuống suối Chăng Băng xa khu dân cư hơn 2km và suối Bọc Bà thuộc địa phận tỉnh Bình Định, cách khu dân cư gần 1km lấy nước về tắm, giặt. Ông So Minh Thương, Trưởng thôn Phú Hải, cho biết: “Chưa có năm nào bà con “khát” như năm nay. Biết là nước suối không hợp vệ sinh nhưng cũng phải dùng, chờ mưa xuống chứ không còn cách nào khác”.

 

Cả tháng qua, ngày nào vợ chồng ông Nguyễn Tấn Hậu ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam cũng phải đắp, vét từng vũng nước dưới ao cạn để bơm tưới cho hơn 400m2 cỏ trồng và lấy nước cho 6 con bò uống. “Mỗi ngày, tôi phải chạy máy bơm 2 lần tưới cỏ, mỗi lần không quá 30 phút là hết nước. Nếu khoảng 2 tuần nữa không có mưa, ao này cũng sẽ không còn nước, đám cỏ bên bờ soi sẽ chết khô, bò thiếu thức ăn, nước uống”, ông Hậu nói.

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, hiện các đồng cỏ chăn thả gia súc ở xã Phú Mỡ, Đa Lộc, Xuân Quang 1, Xuân Lãnh, Xuân Phước… cũng bị khô, chết; trong khi đó, nhiều con suối bị cạn kiệt, không đủ nước cho bò uống.

 

NẮNG HẠN “ĐỐT” CÁC LOẠI CÂY TRỒNG

 

Trồng sắn đã hơn 10 năm nay, nhưng đây là năm đầu tiên, hơn 0,5ha sắn của gia đình bà Trần Thị Hoa ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) chết hàng loạt. Phân, giống, công cày, công chăm sóc… tốn gần 3 triệu đồng, nhưng giờ những rẫy sắn chết héo, đành phải bỏ hoang. “Vùng này nhiều đám sắn trồng 2 đến 3 tháng nhưng cây cao không quá gang tay người lớn. Chỉ có sáng sớm lá sắn thấm hơi sương tươi một chút, còn từ nửa buổi sáng đến chiều, lá sắn héo rũ xuống. Nắng áp quá, thân cây bị “đốt” chết héo theo”, bà Hoa nói.

 

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, niên vụ 2014-2015, toàn huyện trồng được 4.000ha sắn. Tuy nhiên thời tiết nắng hạn kéo dài làm cây còi cọc kém phát triển, một số diện tích cây sắn chết nhiều, không đảm bảo mật độ, người dân phải phá bỏ, chờ trời mưa để trồng lại. Không chỉ có cây sắn mà hơn 3.400ha mía ở huyện Đồng Xuân kém phát triển vì hạn. Đối với mía vụ gốc khả năng đâm chồi kém, đối với mía vụ tơ sức nảy mầm kém, cả hai đều làm sức sống cây con kém, ảnh hưởng giai đoạn vươn lóng dẫn đến năng suất thấp.

 

Ông Nguyễn Tấn Hậu ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) gạn bơm nước ao tưới cỏ, lấy nước cho bò uống - Ảnh: P.NAM

Dọc theo trục giao thông phía Tây Phú Yên, từ xã Sơn Định qua Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đến xã Ea Trol và xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) hàng trăm héc ta sắn, đậu phộng, bắp trồng ở vùng gò đồi không chịu được sức nắng gay gắt đã héo úa. Chỉ riêng xã Sông Hinh có trên 36ha cây trồng cạn có khả năng mất trắng, trong đó sắn gần 25ha, lúa 10ha, còn lại là bắp. Ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho biết: “Nắng hạn gay gắt, trên địa bàn xã nhiều diện tích cây trồng khô héo, UBND xã triển khai công tác chống hạn điều tiết nước hợp lý tưới tiêu. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các khu vực không chủ động nguồn nước, chỉ hoàn toàn chờ trời mưa. Vì vậy, sắp đến năng suất cây trồng mất trắng là điều không tránh khỏi”.

 

Ngoài cây trồng cạn, theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 10.000ha lúa hè thu thiếu nước hoặc bị hạn. Trong đó, diện tích phải bơm tưới vượt định mức khoảng 3.500ha, diện tích có khả năng phải bơm chống hạn gần 6.500ha; riêng khu vực tưới do Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý có hơn 4.100ha, chủ yếu ở cuối hệ thống kênh mương. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã có gần 1.000ha đất sản xuất lúa ở vùng cao và xa hệ thống nước tưới, được nông dân chuyển sang trồng một số loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn cao.

 

SÔNG HỒ KHÔ CẠN

 

Chưa bao giờ sông Kỳ Lộ chảy qua 2 huyện Đồng Xuân, Tuy An cạn kiệt nước như năm nay. Trước đây, mùa này nước sông lênh láng thì nay chỉ còn dòng chảy nhỏ. Cũng chính vì thế mà các trạm bơm điện thị trấn La Hai và trạm bơm điện Bà Thắm, Ông Đệ thuộc xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) đang “ló đầu bơm” (gác nước), các xã phải triển khai nạo vét khơi thông luồng lạch dẫn nước từ dòng sông vào khu vực đặt trạm bơm.

 

Lần đầu tiên đập Tam Giang (huyện Tuy An) nằm ở cuối sông Kỳ Lộ nước không thể chảy qua tràn và hiện đang xuống dưới mực nước chết. Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam đặt máy reo (máy bơm công suất lớn) để bơm nước từ sông Kỳ Lộ tưới lúa hè thu và diện tích đậu, bắp. Còn mực nước tại hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An) cũng đang xuống thấp do không có nước từ các suối bổ sung về. Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Năm nay nắng hạn đến sớm, gần 6 tháng qua không có mưa to để bổ sung nước nguồn, vì thế nên hầu như các diện tích mía, sắn và ngay cả lúa đều bị thiệt hại. Phòng đề nghị cán bộ thủy nông thường xuyên có mặt trên cánh đồng điều tiết, khơi thông các nguồn nước, tổ chức lịch bơm tưới hợp lý, tiết kiệm và chủ động các nguồn lực tại chỗ để chống hạn, hạn chế thiệt hại cho nông dân”.

 

Sở NN-PTNT nhận định, hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nắng nóng tiếp tục diễn ra, lượng mưa ít, thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm từ 24,2mm đến 91,5mm. Tại các hồ chứa nước, mực nước đã hạ thấp hơn mực nước thiết kế, có hồ chỉ còn 20 đến 30% dung tích thiết kế, lưu lượng về đầu mối các công trình đập dâng thấp hơn các năm trước. Cụ thể như mực nước hồ chứa nước thủy điện Sông Hinh: 197,9m/209m/MNTK (mực nước thiết kế), còn lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Ba Hạ trung bình khoảng 30 đến 40m3/s, trong khi đó thủy điện Sông Ba Hạ xả nước mức tối thiểu 50m3/s mới đáp ứng đủ nhu cầu nước vùng hạ du.

 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Sở vừa tổ chức hội nghị bàn các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích thiếu nước sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp hơn. Qua đó, sở đề nghị các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam và các đơn vị có liên quan rà soát các địa điểm, diện tích có nguy cơ thiếu nước tưới ở cuối nguồn kênh, các vùng đất cao gắn kết với các phương án phòng chống hạn, để có giải pháp tưới bổ sung từ hệ thống bơm điện, giếng đào”.

 

TẬP TRUNG CHỐNG HẠN

 

Giải quyết tình thế trước mắt cho nhân dân, UBND huyện Đồng Xuân đã kịp thời hỗ trợ kinh phí theo định mức 20.000 đồng/hộ/1 chuyến vận chuyển nước về sử dụng trong 2 ngày (thời gian dự kiến trong vòng 1 tháng) cho 133 hộ với 647 nhân khẩu ở thôn Phú Đồng. “Chúng tôi cũng đã đào 2 giếng nước ở làng cũ và khu vực suối Cà Te cách thôn Phú Hội hơn 2km với kinh phí 150 triệu đồng, giải quyết cơn khát cấp thiết cho bà con”, ông Nguyễn Văn Tri, Phó phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, nói.

 

Ngoài ra, UBND huyện Đồng Xuân cũng đang tích cực chỉ đạo các địa phương vận động người dân nạo vét giếng sâu hơn và đào thêm giếng mới ở các khu vực có nguồn nước ngầm; đồng thời hỗ trợ nhau cùng dùng chung giếng nước và lấy nước từ các con sông, suối để sử dụng; khắc phục hệ thống các công trình nước sạch hiện có để khai thác tối đa nguồn nước; đưa gia súc đến nơi có nguồn nước để chăn thả và bổ sung thức ăn, che chắn bóng mát…

 

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cây trồng do nắng hạn gây ra, huyện Đồng Xuân cũng vừa trích ngân sách 250 triệu đồng hỗ trợ các hợp tác xã nạo vét vũng hút nước, khơi thông dòng chảy vào các trạm bơm, tiết kiệm và luân phiên tưới nước cứu lúa. “Chúng tôi cũng đã huy động 22 máy bơm công suất lớn hoạt động liên tục, bơm tưới cho khoảng 900ha lúa; cắt giảm hơn 12ha lúa trên tổng diện tích 32ha ở khu vực đập dâng Cây Vừng và Mò O, đồng thời huy động nhân công nạo vét, khơi thông dòng chảy ở thượng lưu các con suối, đặt máy bơm dợi tại các vũng nước để bơm bổ sung cho số diện tích còn lại. Đối với các trạm bơm lấy nước từ sông Kỳ Lộ, phải nạo vét bể hút, xử lý bồi lấp, bơm tăng ca vượt định mức giờ, đưa nước vào đồng ruộng; vận động nhân dân chấp hành lịch phân phối nước, ngăn chặn tranh chấp, lấy nước tùy tiện”, ông Tri cho biết.

 

Để khắc phục tình trạng khô hạn, hiện Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam đang điều tiết nước theo quy trình vận hành tưới tiết kiệm trên toàn hệ thống thủy lợi, gồm đập Đồng Cam và các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đơn vị này còn huy động 20 máy bơm công suất 1.000m3/giờ lấy nước từ các sông lên bổ sung nước vào hệ thống kênh tưới; phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp đào 28 giếng, đặt 20 máy bơm lấy nước từ các kênh tiêu, ao hồ để cứu lúa. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân... cũng đã huy động hàng trăm máy bơm lấy nước từ các sông, suối lên tưới lúa chống hạn. Dự kiến, tỉnh sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách gần 29 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán vụ lúa hè thu.

 

NHÓM PV KINH TẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek