Thứ Ba, 26/11/2024 13:37 CH
Cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Thứ Tư, 16/07/2014 10:38 SA

Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các đại biểu tham dự đã nêu ra nhiều giải pháp thiết thực để Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Phú Yên tổ chức, đưa cuộc vận động này đi vào chiều sâu. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến.

 

* ÔNG LƯƠNG MỘNG SANH, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBMTTQ VIỆT NAM TỈNH: Phát huy vai trò tiên phong của các cấp, ngành

 

Trong thời gian đến, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc Thông báo kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh. Các đơn vị cần chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tăng cường vận động cán bộ, công chức giám sát các cơ quan, đơn vị khi mua sắm công để đánh giá sự gương mẫu ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó, cán bộ lãnh đạo các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện cuộc vận động này.

 

Các ngành cần thực hiện hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho các doanh nghiệp Việt; xúc tiến thương mại đa chiều giữa các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu, các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước theo xu hướng ưu tiên dùng hàng nội địa.

 

* PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN NGỌC ẨN: Vận động, tuyên truyền bằng nhiều cách

 

Để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ăn sâu vào ý thức của người dân, từ đó mọi người hiểu rằng việc mua sắm, sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, các ngành cần thường xuyên tuyên truyền, vận động và phải thực hiện nhiều hơn bằng nhiều giải pháp khác nhau. Vì sau khi Việt Nam gia nhập WTO (2007), đến năm 2015, nước ta sẽ thực hiện nhiều chính sách mở cửa hơn nữa, các chuỗi hàng hóa cũng sẽ được mở rộng, phong phú hơn… Khi đó, việc tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng Việt phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Thế nên ngay từ lúc này, chúng ta phải ra sức vận động, giáo dục người dân để họ tin tưởng, tiếp tục tăng cường sử dụng hàng Việt.

 

Các giải pháp đặt ra hiện nay là đa dạng hình thức tuyên truyền, không chỉ thông qua truyền hình, báo chí mà còn bằng những hình thức mang tính thực tế, đi vào ý thức, lối sống, máu thịt của người dân. Từ đó, họ mới dùng và vận động người thân cùng sử dụng hàng Việt. Ngoài ra, các cấp, ngành cần chỉ đạo sâu sát từ khâu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa với nhiều mẫu mã, chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời chú trọng quảng bá sản phẩm. Các sở, ban ngành, đơn vị đều phải tham gia công tác này, trong đó Ban chỉ đạo 127 tỉnh cần xác định, xây dựng kế hoạch thực hiện bằng những hành động cụ thể như tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

 


 
* PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN NGUYỄN THỊ NGỌC ÁI: Giáo dục ý thức sử dụng hàng Việt cho thế hệ trẻ

 

Thời gian qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã rất cương quyết trong chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và các đơn vị trực thuộc (các trường) trong mua sắm, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt chú trọng đến nguồn hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ngành Giáo dục cũng đã ban hành một số văn bản chỉ đạo cụ thể, hoặc tuyên truyền lồng ghép thông qua các cuộc họp, trong đó có việc cán bộ, công chức, viên chức phải ưu tiên mua sắm hàng Việt. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường chọn mua hàng Việt đối với những trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, đồ dùng dạy học, văn phòng phẩm… Đồng thời, sở cũng đã kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị này hàng năm.

 

Với phương châm cá nhân, cơ quan cùng thực hiện, trong thời gian đến, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động này để việc tiêu dùng hàng Việt trở thành nếp nghĩ, thói quen trong mua sắm, sử dụng từ các công việc của cơ quan lẫn trong mỗi gia đình cán bộ, viên chức. Một trong những vấn đề cần quyết liệt triển khai là tuyên truyền, giáo dục phải sâu rộng trong toàn dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhằm giáo dục trong thế hệ trẻ ý thức, tinh thần dân tộc. 

 


 * CHỦ TỊCH UBND TP TUY HÒA ĐÀO BẢO MINH: Cần xây dựng thương hiệu hàng Việt

 

Khi lựa chọn hàng hóa, những người dân có thu nhập cao sẽ chú trọng vào chất lượng hơn là giá cả, còn với người có thu nhập thấp thì giá cả là điều quan trọng. Hiện nay, không ít hàng nhập từ nước ngoài có giá thấp, mẫu mã đẹp là sự lựa chọn của nhiều người. Các cấp, ngành nên nhìn nhận vấn đề này để có chỉ đạo phù hợp. Ngoài các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam thì còn hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài nhưng được sản xuất tại Việt Nam cũng được xem là hàng Việt. Vậy để người tiêu dùng sử dụng 100% hàng Việt thì Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ có điều kiện sản xuất tại chỗ, xây dựng, phát triển thương hiệu (có thể xây dựng thương hiệu lớn, mang tính độc quyền…). Điều này sẽ góp phần làm tăng thêm sự lớn mạnh, uy tín của hàng trong nước. Người dân không chỉ dùng các loại hàng tiêu dùng, đồ gia dụng thông thường, có giá trị thấp mà còn là những loại hàng “to tiền” như máy tính, thiết bị, máy móc… Các sản phẩm bán cho người tiêu dùng ngoài vấn đề về mẫu mã, chất lượng thì giá cả phải mềm, phù hợp với thị trường; có như thế thì mới tăng được tính cạnh tranh giữa hàng Việt và hàng nhập ngoại.

 

* BÀ NGUYỄN THỊ THANH THỦY, CHỦ TỊCH UBMTTQ VIỆT NAM HUYỆN ĐỒNG XUÂN: Mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các địa phương

 

Lâu nay, huyện Đồng Xuân luôn chú trọng thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các thành viên phụ trách công tác này của huyện đã phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân quan tâm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, người dân huyện Đồng Xuân rất tin tưởng hàng Việt. Đặc biệt, bà con rất vui mừng và hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng lưu động… do Sở Công thương và các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện. Lúc đầu vẫn còn số ít bà con có tâm lý sính hàng ngoại nhưng qua khảo sát mới đây thì hiện nhu cầu sử dụng hàng Việt của người dân ngày càng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng nguyện vọng được sử dụng hàng Việt chất lượng cao của người dân thì các ngành nên tạo điều kiện để doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng kênh phân phối, bán hàng tại các địa phương vì nguyện vọng lớn nhất của người dân hiện nay là có được một siêu thị nhỏ hay một đại lý hàng Việt tại trung tâm huyện để họ có thêm cơ hội mua sắm.

 

* ÔNG HOÀNG THANH DŨNG Ở PHƯỜNG 7, TP TUY HÒA: Để người dân mua hàng Việt thì người bán phải bán hàng Việt

 

Lâu nay, gia đình tôi vẫn tin dùng hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, có trường hợp là người bán đã nhập hàng của nước ngoài rồi về thay đổi nhãn mác của Việt Nam và giới thiệu với bà con là hàng Việt, thậm chí đó là hàng kém chất lượng... Đối với những người tiêu dùng rành rẽ thì khó mắc lừa trước những tình huống này, tuy nhiên với người dân ở vùng sâu, vùng xa, ít tiếp cận với thông tin thị trường thì rất khó tránh. Do đó, để người dân mua, dùng hàng của Việt Nam thì trước tiên người bán phải bán hàng Việt. Tôi mong các cơ quan chức năng cần ngăn chặn các trường hợp nêu trên nhằm ổn định thị trường, không để hàng kém chất lượng, hàng giả, nhái… làm ảnh hưởng đến hàng Việt, không để người tiêu dùng mất lòng tin với các đơn vị kinh doanh chân chính.

 

KHANG ANH (lược ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek