Khác các năm trước, với những khẩu hiệu: “Người sản xuất kinh doanh thực phẩm có lương tâm”, “Bảo đảm an toàn vệ sinh thức ăn đường phố”, “Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm”…; năm nay, Tháng hành động vì vệ sinh chất lượng an toàn thực phẩm chọn chủ đề “Bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh, an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, là nhằm tập trung quan tâm vào khâu sản xuất và kinh doanh thực phẩm - một lo ngại lớn càng lúc càng gia tăng ở người tiêu dùng.
Hết cúm gia cầm, đến lở mồm long móng ở heo bò; đang lo sốt vó chuyện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao trong rau xanh, lại sởn gai ốc với chuyện hóa chất bảo quản độc hại trong hoa quả; còn hãi tình trạng ướp u-rê trong hải sản chưa xong, thì lo tiếp tình trạng thuốc tăng trọng bị cấm có quá nhiều trong thịt gia súc; rồi thêm chuyện sử dụng phụ gia sử dụng phẩm màu độc hại trong chế biến thực phẩm; rồi đùng một cái, lại nghe chuyện nhãn hiệu nước tương nổi tiếng ai ai cũng dùng hàng ngày có chất gây ung thư, may mà, đó là tin... không chính xác.
Đâu là địa chỉ và nhãn hiệu thực phẩm tin cậy? Người tiêu dùng hỏi nhau như vậy, bởi với quá nhiều nỗi lo nói trên, còn phải đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu kém phẩm chất trôi nổi trong chợ, trong siêu thị; trong khi đo,ù quá ít nhãn hiệu rau sạch, thịt sạch hợp túi tiền những người có thu nhập không cao.
Phú Yên là một tỉnh dồi dào về nông sản, nhưng ngoài sản phẩm sau sạch ở Bình Ngọc với một cửa hàng duy nhất trên đường Lê Duẩn (TP. Tuy Hòa), ở các địa phương trong tỉnh chưa có một địa chỉ rau sạch nào. Tương tự, chưa có một cơ sở nào kinh doanh hoa quả nào dán tem an toàn cho người mua khỏi phải lo ngại. Chúng ta có một lượng trứng gia cầm lớn, nhưng khi cúm gia cầm rục rịch, thì vẫn không có được một nhãn hiệu trứng an toàn nào trên thị trường. Tình trạng kinh doanh nguồn hải sản vốn rất phong phú cũng chưa có địa chỉ kinh doanh nào để người mua thật sự tin tưởng. Tình trạng giết mổ gia súc gia cầm chưa đảm bảo vệ sinh chậm được chấn chỉnh, khiến người dân không yên tâm. Tất cả những điều ấy, vừa là thiệt thòi cho người tiêu dùng vừa là thiệt thòi của người sản xuất, đòi hỏi phải có một chương trình khắc phục để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để “bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh, an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, điều cần làm trước tiên là công tác quản lý an toàn thực phẩm cần phải được tiến hành nghiêm ngặt; hiệu quả giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của ban chỉ đạo liên ngành tại các địa phương phải được nâng cao; lực lượng thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm phải đủ mạnh về số lượng và thẩm quyền để đưa công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từng bước đi vào nề nếp. Song điều quan trọng hơn, là phải tổ chức sản xuất thực phẩm gắn với an toàn, phải làm sao ngày càng có nhiều hơn địa chỉ, nhãn hiệu tin cậy cho người tiêu dùng.
Vì vậy, cần nhanh chóng quy hoạch và triển khai các biện pháp an toàn trong chăn nuôi giết mổ gia súc gia cầm. Đồng thời, có kế hoạch triển khai xây dựng và sớm nhân rộng các mô hình sản xuất thịt sạch, rau sạch; mô hình xã phường điểm trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là chưa kể, về lâu dài, phải từng bước áp dụng phương pháp quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế, vừa đảm bảo an toàn cho ngưới tiêu dùng, vừa có thể cạnh tranh với thực phẩm nước ngoài, sau khi nước ta gia nhập WTO.
HUỲNH HIẾU