Trong nhiều năm liền, các nhà máy đường gặp khó vì giá đường xuống thấp, lượng đường tồn kho tăng cao. Để đảm bảo vùng nguyên liệu, các nhà máy đường Phú Yên chấp nhận lỗ hoặc hòa vốn để giữ giá thu mua mía cho nông dân.
ĐƯỜNG TỒN KHO LỚN, ĐƯỜNG NHẬP LẬU NHIỀU
Theo Ban chỉ đạo điều hành mía đường, sắn tỉnh, trong niên vụ 2013-2014, tổng diện tích trồng mía toàn tỉnh đạt 23.773ha, tăng 6.273ha so với quy hoạch. Dự kiến, các nhà máy đường sẽ chế biến được 127.000 tấn đường; tăng 4% so với niên vụ trước. Việc nông dân mở rộng diện tích trồng mía ào ạt, không theo quy hoạch cũng gây không ít khó khăn cho ngành mía đường khi sản lượng đường tăng, đường tồn kho ngày càng lớn.
Từ đầu niên vụ 2013-2014 đến nay, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã thu hoạch hơn 11.347ha; thu được 634.114 tấn mía. Sau khi chế biến, đơn vị thu gần 59.000 tấn đường RE; gần 2.000 tấn đường RS và 36.315 tấn mật rỉ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này mới chỉ tiêu thụ được 20.667 tấn đường RE; 597 tấn đường RS và 28.543 tấn mật rỉ. Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã thu hoạch gần 3.800ha, được 184.412 tấn mía. Đến nay, Nhà máy đường Tuy Hòa đã chế biến hơn 18.080 tấn đường RS và gần 8.000 tấn mật rỉ. Công ty này mới tiêu thụ được gần 5.226 tấn đường và 1.875 tấn mật rỉ, còn tồn hơn 2/3 số đường sản xuất. Hiện kho chứa đường của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa chỉ giải quyết được khoảng 6.500 đến 7.000 tấn đường; số còn lại phải gửi tại các kho ở Vũng Rô và TP Hồ Chí Minh. Lượng đường tồn kho lớn khiến Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa chịu thêm nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp trong nước, lượng đường nhập lậu lớn, giá rẻ cũng khiến việc tiêu thụ đường thêm khó khăn. Theo thống kê của Tổ chức đường thế giới (ISO), hàng năm lượng đường nhập lậu vào Việt Nam ước đạt xấp xỉ 500.000 tấn. Đường lậu về đến Việt Nam bán với giá thấp hơn đường nội từ 500 đến 1.000 đồng/kg nên đường của các nhà máy trong nước rất khó cạnh tranh.
Mặc dù giá đường xuống thấp, tiêu thụ khó khăn nhưng các nhà máy đường tại Phú Yên vẫn chấp nhận giữ giá thu mua mía để đảm bảo nguồn nguyên liệu về lâu dài. Ông Lê Tấn Đàm, Phó giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: “Năm nay chất lượng, sản lượng mía khá tốt, chữ đường bình quân đạt 9,75CCS. Từ đầu vụ đến nay, đơn vị vẫn giữ giá mua mía 930.000 đồng/tấn tại ruộng nhằm tránh tình trạng nông dân phá mía trồng cây khác khi mía rớt giá, ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu của công ty”.
LOAY HOAY TÌM GIẢI PHÁP
Theo ông Lê Tấn Đàm, hiện là mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng đường tăng cao, sức tiêu thụ đã khả quan hơn đầu năm. Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đang tìm nhiều cách đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và các mối quen ở TP Hồ Chí Minh. Để cạnh tranh với đường nhập lậu, nhà máy phải chấp nhận hòa hoặc lỗ vốn, giảm giá bằng hoặc thấp hơn đường nhập lậu nhưng sức tiêu thụ vẫn rất chậm. Từ đầu năm đến nay, giá bán đường RS chỉ dao động ở mức 11.500 đến 12.200 đồng/kg tùy từng thời điểm. “Để giải cứu ngành mía đường, các ngành chức năng cần quyết liệt kiểm soát đường nhập lậu qua biên giới, đồng thời tạo cơ chế linh hoạt cho đường trong nước xuất khẩu”, ông Đàm nói.
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Bộ Công thương đã có hướng cân đối cung - cầu đường để mở rộng xuất khẩu đường, giải quyết khó khăn cho ngành mía đường. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương cho phép xuất khẩu hơn 230.000 tấn đường RS, hiện xuất được 94.000 tấn. Riêng đường RE chỉ cho xuất khẩu khi nhu cầu đã đủ cho các nhà máy trong nước. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT tính toán lượng đường RE vụ 2013-2014 để cho phép xuất khẩu qua biên giới. Nhờ vậy, việc xuất khẩu qua lối mở (xuất khẩu qua các cửa khẩu) sẽ tăng lên, đặc biệt sau khi cân đối cung cầu đường RE cộng với đường RS đã xuất khẩu. Với các nhà máy đường của Phú Yên thì ngoài sự nỗ lực của từng đơn vị, Sở Công thương cũng sẽ tìm giải pháp giúp các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn theo đúng định hướng của Bộ Công thương.
NGÔ XUÂN