Thời gian gần đây, tại các chợ hay những nơi tập trung đông người, người dân dễ dàng bắt gặp một số người lạ rao bán thuốc đông y gia truyền, đặc trị. Tuy nhiên, người dân nên thận trọng với loại thuốc này, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”.
Thuốc đông y là thuốc từ dược liệu, được bào chế theo phương pháp y học cổ truyền của Trung Quốc và Việt Nam, thường phân thành 2 loại: thuốc bắc và thuốc nam. Theo quy định của Nhà nước, kinh doanh thuốc là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các hành vi bị nghiêm cấm và vi phạm trong hoạt động kinh doanh loại mặt hàng này là kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề; kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hết hạn dùng; thông tin, quảng cáo thuốc sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; bán thuốc tại những nơi không phải là cơ sở bán thuốc hợp pháp…
Quy định là vậy, song hiện nay có một số đối tượng “không chuyên” nhưng vẫn “hành nghề” bán thuốc ở những nơi công cộng. Tại các chợ, từ thành thị đến nông thôn, người dân thường được những người
lạ tư vấn, bắt mạch và bán thuốc đông y để điều trị bệnh. Những người này thường đựng thuốc trong túi, mang trên vai để đến giới thiệu cho từng người hoặc bày biện ở một góc chợ nào đó rồi rao bán. Theo bà Nguyễn Thị Mẻ, xã An Hòa (Tuy An), thỉnh thoảng lại có vài thanh niên, tuổi đời chừng 30 đến 40, tự xưng là người Chăm, ở Ninh Thuận đến đây để bán thuốc cho bà con. Họ giới thiệu đây là thuốc đông y gia truyền, có thể điều trị các bệnh. Những lần mua thuốc như vậy, mỗi người phải mất từ 200.000 đến 300.000 đồng. “Sau khi chúng tôi mua thuốc thì những người này lại nói là sẽ quay lại đây để bán thuốc cho bà con, nhưng họ có tới đâu, bệnh thì cũng không đỡ chút nào”, bà Mẻ nói.
Hiện nay, ở những nơi tập trung đông người, khu vui chơi, giải trí, tình trạng bán thuốc nam, thuốc gia truyền này vẫn còn diễn ra. Đại diện một người bán thuốc loại này tại Di tích Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, Tuy An) nói là đã chặt trái dứa, loại trái có nhiều ở vùng này, sau đó rửa sạch, phơi khô để bán cho người dân. Loại này đem nấu nước uống, có tác dụng mát gan, giải độc… rất tốt. Mới đây, tại chợ Tuy Hòa, bà Mười, bà Bảy ở xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân cũng bưng bê những rổ thuốc nam, thuốc của người dân tộc thiểu số để bán. Mỗi bì là 1 vị thuốc khác nhau, được bán với giá 10.000 đồng (khoảng 2-3gram). Bà Mười cho biết: “Chúng tôi giữ những bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian, truyền từ đời này sang đời khác của người già trong vùng. Những cây thuốc này mọc trên núi nên khó khăn lắm chúng tôi mới lấy được. Đây là những loại thuốc có thể trị bệnh đau đầu, bệnh phụ nữ, dạ dày, nhức mỏi…
Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch Hội Đông y TP Tuy Hòa cho biết: Thực tế không ít loại lá, thân, rễ cây có thể dùng để hỗ trợ điều trị một số loại bệnh thường gặp; nhưng những bao, bì thuốc không ghi rõ địa chỉ sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, chưa được thẩm định, kiểm chứng chất lượng, công dụng… thì chưa thể chứng minh được đó có phải là “thuốc” thật sự hay không. Việc mua, sử dụng đối với các loại thuốc đông y gia truyền được bán tràn lan trên thị trường hiện nay, nếu không nắm được công hiệu của các loại thuốc nam, bắc gia truyền thì người dân nên thận trọng khi mua. Tốt nhất là mọi người nên đến các cơ sở y tế, phòng mạch được cấp phép để được bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh và hướng dẫn cách điều trị. Trường hợp phải dùng đến thuốc đông y thì người dân nên đến các cơ sở đông y, thầy thuốc có uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hành nghề điều trị, kinh doanh thuốc để được tư vấn và mua thuốc. Điều này sẽ giúp người dân tránh được trường hợp mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc sử dụng các chất bảo quản… có hại cho sức khỏe.
KHANG ANH