Với thế mạnh về sản xuất lúa giống, vụ đông xuân 2013-2014, HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (HTX Nam An Nghiệp) được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh chọn triển khai mô hình sản xuất lúa giống cấp xác nhận TBR45 và cho hiệu quả cao.
HTX Nam An Nghiệp tổ chức hội thảo đầu bờ để thành viên HTX tận mắt thấy hiệu quả của mô hình - Ảnh: M.DUYÊN
HTX Nam An nghiệp có 230ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích sản xuất lúa 2 vụ là 150ha. HTX đã sản xuất lúa giống từ năm 2005. Nhờ vậy HTX chủ động được nguồn giống cung cấp cho bà con và thành viên HTX có kinh nghiệm sản xuất giống nông hộ; giúp xóa bỏ hẳn việc sử dụng lúa thịt chứa nguồn gen đã thoái hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nam An Nghiệp cho biết: Vụ đông xuân 2013-2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh chọn HTX Nam An Nghiệp để triển khai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng. Điểm nổi bật ở mô hình này là ngoài việc được tiếp cận các kỹ thuật canh tác, sản xuất lúa giống mới, thành viên HTX còn được “mắt thấy tai nghe” hiệu quả của phương thức liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông). Đây là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong mô hình này, Nhà nước hỗ trợ 100% giống. Doanh nghiệp là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoàng Long Vina hỗ trợ 10% phân bón, số còn lại có thể thanh toán theo hình thức trả chậm vào cuối vụ. Cán bộ nông nghiệp của các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư sát cánh cùng bà con về kỹ thuật trong suốt quá trình chăm sóc cây lúa. Loại giống sử dụng là giống cấp xác nhận TBR45, thực hiện trên diện tích 20ha, cho 110 hộ thành viên HTX.
Ông Tô Văn Trung, thành viên tham gia mô hình cho biết: Tôi được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới như kỹ thuật tưới nước “ngập, khô xen kẽ” giúp cây lúa khỏe hơn, tăng khả năng chống ngã đổ, tiết kiệm nước tưới; kỹ thuật bón phân với lượng phân bón và cách bón hợp lý. Cụ thể, phân hữu cơ bón lót trước sạ 7,5kg/sào; từ 7 đến 10 ngày sau sạ bón thúc lần 1 là 7kg NPK/sào; bón thúc lần 2, sau sạ từ 18 đến 22 ngày 6kg NPK/sào; bón thúc lần 3 là 7kg NPK/sào… Đồng thời tôi còn biết sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đạt hiệu quả và an toàn cho môi trường cũng như thuận lợi trong công tác thu hoạch bằng cơ giới.
Kết quả, giống TBR45 so với giống đối chứng DV 108 có các đặc tính vượt trội hơn như chiều cao cây lúa trung bình đạt 94cm, cao hơn 2cm so với giống đối chứng; cùng với đó là khả năng đẻ nhánh, mọc mầm tốt (nhiều hơn 40 nhánh/m2 so với đối chứng), cây khỏe nên ít bị sâu bệnh tấn công. Lượng giống gieo sạ ở ruộng mô hình ít hơn 5kg/sào. Số hạt chắc trên mỗi bông nhiều hơn với 21 hạt. Năng suất trung bình cao hơn ruộng đối chứng 4,6 tạ/ha. Về hiệu quả kinh tế tính trên đơn vị 1ha, tổng thu của ruộng đối chứng hơn 46,5 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi 24,6 triệu đồng. Trong khi đó, ruộng đối chứng tổng thu hơn 42,3 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi 21,1 triệu đồng. Như vậy, thu nhập từ ruộng mô hình giống TBR45 cao hơn giống địa phương 3,5 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Vụ đông xuân 2013-2014, đơn vị chọn HTX Nam An Nghiệp triển khai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống cấp xác nhận, chất lượng cao nhằm giúp bà con hình thành thói quen sử dụng giống tốt, canh tác theo khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời, bà con thấy lợi ích của việc liên kết 4 nhà để từ đó có tư duy mở rộng hợp tác, tạo mối quan hệ đồng lợi ích. Có như vậy, các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa mới trở thành hàng hóa có giá trị trên thị trường và xây dựng được nền nông nghiệp bền vững.
BẠCH VÂN