Thứ Bảy, 05/10/2024 02:20 SA
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Hinh:
Thiếu việc làm, cuộc sống khó khăn
Thứ Bảy, 29/03/2014 11:00 SA

Sau những ngày bị lừa đi lao động ngoài tỉnh, người dân nghèo ở xã miền núi Ea Bia (Sông Hinh) đã trở lại cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, họ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu việc làm để có thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.

 

Laodong140329.jpg

Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng buôn Duôn Chách đến thăm hỏi và động viên gia đình Mí Tri - Ảnh: V.THÙY

NHỌC NHẰN TÌM VIỆC

 

Cuối năm 2012, một số đối tượng lạ đến xã Ea Bia (Sông Hinh) tuyển người đưa đi làm việc tại tỉnh Lâm Đồng với lời hứa lương cao, chế độ làm việc thỏa đáng. Cả tin, 26 người, chủ yếu ở xã Ea Bia đã tham gia. Tới nơi thì họ bị ép lao động nặng nhọc, với mức lương thấp hơn nhiều so với lời hứa lúc đầu. Những người này đòi về thì các chủ sử dụng lao động không đồng ý, đòi trả lại tiền chi phí ăn ở và môi giới. UBND huyện Sông Hinh đã thành lập tổ công tác đặc biệt phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng đến tận nơi điều tra. Sau đó, số lao động trên được tổ công tác giải cứu đưa về địa phương; trong đó, có 3 lao động không có tiền “chuộc” nên UBND huyện Sông Hinh phải trích kinh phí để hỗ trợ.

 

Sau khi về lại địa phương, những người dân này gặp không ít khó khăn trong cuộc sống vì hầu hết họ là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Chị Trần Thị Phương, dân tộc Dao ở buôn Duôn Chách (Ea Bia) kể lại: “Sáng hôm ấy, khi lên đầu buôn chơi, thấy có một ô tô đến buôn và có nhiều người kéo đến. Hỏi ra mới biết là những người này thuê đi hái cà phê ở Lâm Đồng với mức lương 3,6 triệu đồng/tháng, bao luôn cơm. Lúc đó là mùa mưa, ở nhà không có việc làm nên tôi đăng ký đi làm thuê. Ai ngờ khi xuống xe thì bị lùa vào phòng kín mới biết mình đã bị lừa”. Gia đình chị Phương thuộc diện hộ nghèo, có ba con nhỏ, thiếu đất sản xuất, cuộc sống trông chờ vào việc đi làm thuê. Chị Phương cho biết thêm, từ khi bị lừa đi lao động trở về, vợ chồng không dám đi làm xa.

 

Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng buôn Duôn Chách cho biết, trong số những người bị lừa đi hái cà phê ở Lâm Đồng trở về khó khăn nhất là Mí Tri. Mí Tri không có chồng, nuôi 3 con nhỏ hiện đang sống trong ngôi nhà sàn rộng chưa đến 20m2. Nhà được làm từ chương trình xóa nhà tạm nhưng đã xuống cấp, xiêu vẹo. Nhiều năm qua, mẹ con Mí Tri vẫn sống trong cảnh không điện. LMô Y Thứ ở buôn Duôn Chách cho biết: “Mặc dù rất muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng từ đó đến nay, hầu hết mọi người rất ngại đi làm xa. Những ngày không có việc, mọi người rủ nhau đi mót sắn, vào suối đánh cá hay đi nhặt phân bò khô về bán kiếm vài chục ngàn đồng mua gạo”. Cũng như chị Phương, Mí Tri, LMô Y Thứ, hầu hết những người bị lừa đi hái cà phê ở Lâm Đồng thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn và thiếu việc làm như LMô Y Thuối, Y Vét (buôn Duôn Chách); Ma Nhai, Ma Nhót, Y Chem, Y Mép (buôn Ma Sung); Y Rin, Y Bóc (buôn Hai K’Lốk).

 

NGẠI ĐI LÀM XA

 

Hàng năm, huyện Sông Hinh thường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm ngay tại địa phương với nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn người từ lao động phổ thông đến lao động đã qua đào tạo nghề. Nhưng thực tế lại rất ít người tham gia, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nay Y Son, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bia, cho biết: “Thực tế cho thấy, ở vùng dân tộc thiểu số, thanh niên không muốn đi làm ăn xa với công việc ổn định, lâu dài mà chỉ muốn có việc làm thời vụ một vài tháng rồi trở về nhà cùng gia đình. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên chưa qua đào tạo nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng”.

 

Với đặc thù là huyện miền núi đất đai rộng lớn, có hàng ngàn hecta sắn, mía, cà phê, cao su… mỗi năm thu hút hàng chục ngàn công lao động. Nhiều nơi trong tỉnh, người lao động hợp thành nhóm từ 10 đến 30 người sẵn sàng bám trụ nhiều tháng tại nương rẫy, không ngại khó, ngại khổ để thu hoạch sắn, mía, cà phê thuê với tiền công khoảng 130.000 đồng/ngày. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Nhu cầu sử dụng lao động phổ thông theo thời vụ trên địa bàn huyện hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, để có việc làm, người lao động phải được tổ chức thành nhóm, làm việc nhiệt tình… điều này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa làm được mà chỉ dừng lại ở việc vần đổi công trong phạm vi nhỏ. Bên cạnh đó, với lợi thế đất đai, bà con nơi đây có thể tự tạo việc làm ổn định cho chính mình bằng việc tăng gia sản xuất, mở rộng chăn nuôi theo hướng thâm canh nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy vậy số người làm được điều này là rất ít.

 

VĂN THÙY - NGỌC CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek