Tây Hòa là địa phương dẫn đầu tỉnh Phú Yên trong việc thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2014, huyện tiếp tục phấn đấy xây dựng thêm 95,4km theo đăng ký của các xã, thị trấn trong huyện.
Nông dân làm đường bê tông ở xã Hòa Mỹ Đông (Đông Hòa) - Ảnh: H.NAM
Thống kê của UBND huyện Tây Hòa, đến cuối năm 2013, toàn huyện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 116km đường GTNT được bê tông xi măng theo đúng thiết kế. Ngoài nguồn xi măng do tỉnh cung cấp hơn 17.445 tấn, địa phương đã vận động nhân dân hiến đất, phá dỡ cây cối, góp công lao động cùng kinh phí với tổng giá trị trên 23 tỉ đồng; trong đó, riêng về đất đai người dân trong huyện đã hiến 14.426m2 đất, trị giá hơn 1,3 tỉ đồng.
Đi đầu thực hiện phong trào này là xã Hòa Đồng xây dựng được 22km bê tông GTNT. Ông Lê Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng cho hay: “Các ban ngành của xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ chủ trương xây dựng nông thôn mới; lợi ích của việc bê tông hóa đường GTNT. Từ đó người dân tích cực hưởng ứng và tham gia, toàn xã đã huy động nhân dân đóng góp hơn 2,5 tỉ đồng”. Ông Lê Văn Minh ở thôn Phú Mỹ (xã Hòa Đồng) đóng góp 30 triệu đồng xây dựng đường bê tông GTNT giãi bày: “Có con đường bê tông kiên cố, cảnh quan xóm làng thoáng đãng, đi lại thuận lợi nên tôi ủng hộ vì đây là việc làm vì lợi ích chung không chỉ cho hôm nay mà cho con cháu sau này”.
Với phong trào bê tông GTNT, thị trấn Phú Thứ cũng đã hoàn thành trên 16,3km đường, trong đó nhân dân đóng góp hơn 2,3 tỉ đồng. Còn Hòa Mỹ Tây là xã miền núi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, địa bàn dân cư thưa thớt nhưng cũng đã huy động sức dân hơn 3,2 tỉ đồng, xây dựng hơn 9,8km đường GTNT.
Chỉ qua năm đầu triển khai thực hiện đề án Bê tông hóa GTNT theo nghị quyết của HĐND tỉnh, bộ mặt các vùng quê ở Tây Hòa có nhiều thay đổi, tạo nên diện mạo mới. Giờ đây, khi đến những vùng nông thôn của Tây Hòa mới thấy được sự đổi thay trong đời sống kinh tế của người dân. Bên cạnh những tuyến đường giao thông liên thôn được bê tông xi măng rộng rãi, sạch đẹp cũng xuất hiện nhiều ngôi nhà mới khang trang.
Để triển khai thực hiện chủ trương này, bước đầu huyện Tây Hòa chọn mỗi xã làm điểm từ 1 đến 2 tuyến đường; sau đó Ban chỉ đạo XDNTM huyện, xã tổng hợp, so sánh và đánh giá về hiệu quả đầu tư so với trước đây; qua đó thông báo mức đầu tư cụ thể ở từng địa bàn dân cư để người dân ở đây biết nguồn vốn cần thiết khi xây dựng công trình mà chủ động huy động vốn và đăng ký thực hiện. Với tinh thần tự nguyện đóng góp của người dân nên hầu hết các tuyến đường sau khi khởi công đều được hoàn thành đúng tiến độ. Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Đông Ngô Văn Hùng cho biết: “Triển khai bê tông hóa GTNT, các thôn trong xã đã tổ chức họp dân ở khu dân cư.
Qua đó, người dân bàn bạc quyết định mức đóng góp của từng hộ, ấn định thời gian thi công và tổ chức giám sát. Vì thế mà nhân dân tin tưởng chất lượng, hiệu quả công trình nên tích cực tham gia. Tuyến đường GTNT từ Cầu Cháy đến Mả Vôi thuộc thôn Phú Thuận (xã Hòa Mỹ Đông) dài 690m không còn cảnh nắng bụi, mưa bùn như trước đây nhờ đã bê tông xi măng trên tinh thần đó”.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Từ kết quả đạt được của năm 2013 và vinh dự được Thủ tưởng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc, năm 2014, Tây Hòa tiếp tục đăng ký thực hiện bê tông hóa GTNT với chiều dài trên 95km, tương ứng lượng xi măng 13.420 tấn. Để thực hiện tốt chỉ tiêu trên, cán bộ, nhân dân trong huyện đều xác định bê bông hóa GTNT chính là xây dựng xóm, làng khang trang, sạch đẹp, tạo thuận lợi thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì vậy, cả hệ thống chính trị trong huyện cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương BTGT nông thôn, góp phần hoàn thành các tiêu chí về XDNTM”.
LÊ TRÂM