Gần đây, công tác an toàn, vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ- PCCN) được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất tập trung tại khu công nghiệp (KCN). Đó là nhờ việc tăng cường tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành liên quan.
Công nhân Công ty TNHH Semco Phú Yên (KCN Hòa Hiệp) vào ca sản xuất - Ảnh: N.XUÂN
NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Ông Lê Hải Đăng, Phó giám đốc Công ty TNHH Bá Hải (KCN Hòa Hiệp) cho biết, đối với ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, việc thực hiện tốt các điều kiện ATVSLĐ-PCCN là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp khi các đối tác lấy đây là một trong những tiêu chí quan trọng để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Công ty đã trang bị các phương tiện bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, quần áo, mũ, ủng và quy định bắt buộc người lao động phải sử dụng các dụng cụ này trong sản xuất. Bên cạnh đó, tất cả công nhân đều phải qua phòng khử trùng trước khi vào ca sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Đối với các doanh nghiệp khác, vấn đề ATVSLĐ-PCCN cũng được quan tâm đúng mức. Ông Phan Ngọc Mến, quản đốc Công ty TNHH Phân bón NPK Phú Yên (KCN Đông Bắc Sông Cầu) cho biết: “Người lao động phải an toàn, có sức khỏe tốt thì công việc sản xuất mới suôn sẻ, thuận lợi được. Hàng năm công ty đều dành một khoản kinh phí trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động cho công nhân như quần áo lao động, mũ, găng tay, ủng 2 lần/ năm; khẩu trang 2 lần/tuần. Trong đó, các bộ phận làm việc tiếp xúc với bụi, mùi nhiều thì được trang bị gấp đôi để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Việc mang các phương tiện bảo hộ lao động cũng trở thành nội quy bắt buộc đối với công nhân làm việc trong nhà máy và là tiêu chí xét thi đua cuối năm. Nhờ vậy, ý thức sử dụng vật dụng bảo hộ lao động của công nhân ngày càng được nâng cao”. Bà Võ Thị Thanh Giang, phụ trách hành chính Công ty TNHH Tân Bình Phú (KCN Đông Bắc Sông Cầu) cũng cho biết, với doanh nghiệp chế biến gỗ, ATVSLĐ-PCCN được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Công ty phân công cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công nhân thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ-PCCN. Bên cạnh đó, tại mỗi bộ phận cũng có người phụ trách để hướng dẫn, phổ biến về ATVSLĐ-PCCN cho công nhân…
NGƯỜI LAO ĐỘNG PHẢI BIẾT BẢO VỆ MÌNH
Đối với người lao động, việc đảm bảo ATVSLĐ-PCCN có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được việc đảm bảo an toàn cho mình trong quá trình sản xuất. Trong khi, có người quan tâm sử dụng các dụng cụ bảo vệ lao động thì cũng không ít người còn chủ quan, ít khi dùng đến. Anh Nguyễn Lên, công nhân Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn (KCN An Phú) giãi bày: “Công việc tại công trường luôn có nhiều nguy cơ rủi ro dẫn đến tai nạn lao động nếu không cẩn thận. Do vậy, khi được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động như quần áo, mũ, giày, găng tay, kính, dây an toàn, tôi luôn sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân mình”.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều công nhân chủ quan, chưa ý thức được tầm quan trọng của các phương tiện bảo hộ lao động và còn lơ là trong việc đảm bảo an toàn trong lao động. Theo chị Thùy Trang, công nhân trong một xưởng chế biến gỗ ở KCN Đông Bắc Sông Cầu, việc đeo găng tay, khẩu trang vướng víu, khó làm việc nên ít khi chị sử dụng. Còn anh Thành Tâm, công nhân một xưởng sản xuất kính ở KCN Hòa Hiệp nói: “Làm công việc cần sự tỉ mỉ mà dùng găng tay thì rất vướng. Do vậy tôi rất ít khi dùng đến găng tay”…
Theo ông Lê Văn Thành, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, hiện cả 3 KCN có 62 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 5.500 lao động. Trước đây, vấn đề an toàn lao động chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức nên có trường hợp tai nạn lao động dẫn đến chết người. Những năm gần đây, Ban quản lý Khu kinh tế phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cho các doanh nghiệp trong từng KCN ký cam kết thực hiện các quy định về ATVSLĐ-PCCN; đồng thời thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra nên công tác này đã được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đều trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho người lao động; chấp hành tốt việc kiểm định và đăng ký các máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn lưu ý các doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động. Ngay từ đầu năm, yêu cầu các doanh nghiệp lập kế hoạch đảm bảo ATVSLĐ-PCCN. Trong đó, chú trọng các biện pháp khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; xây dựng nội quy ATVSLĐ- PCCN; thường xuyên tập huấn, kiểm tra, nhắc nhở công nhân tuân thủ các quy định về ATVSLĐ- PCCN... để người lao động nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trong từng khâu sản xuất.
Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên Lê Văn Thành cho biết: Năm 2013, trong 3 KCN của tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động gây thương tích nhẹ; 2 vụ cháy nhỏ trong các khu vực sản xuất nhưng đã được xử lý kịp thời. |
NGÔ XUÂN