Hiện nay, lúa đông xuân 2013-2014 đang làm đòng, trổ bông, là giai đoạn quyết định đến năng suất nên cần đủ nước tưới. Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam thực hiện điều tiết nước hợp lý để đảm bảo cho vụ sản xuất thắng lợi.
Các HTX và người dân huyện Tuy An bơm nước chống hạn cho lúa - Ảnh: S.CA
Thống kê từ Sở NN-PTNT, tổng diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân 2013-2014 gần 27.000ha; trong đó, diện tích lúa thuộc khu tưới của Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam khoảng 18.000ha, bao gồm hệ thống thủy nông Đồng Cam tưới hơn 14.600ha thuộc các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa và một phần huyện Tuy An; hệ thống Tam Giang tưới gần 1.400ha thuộc các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An); hồ chứa nước Phú Xuân tưới hơn 450ha của các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (Đồng Xuân)…
Theo Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, hiện cây lúa đang ở giai đoạn làm đòng, trổ bông, là giai đoạn quyết định đến năng suất của cây lúa nên cần nước tưới nhiều hơn bình thường. Để đảm bảo việc cấp nước tưới cho các cánh đồng, công ty đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung việc điều tiết nước tưới hợp lý. Ông Đoàn Văn Thọ, Trưởng trạm Thủy nông kênh Bắc cho biết: “Vụ lúa đông xuân này, trạm chúng tôi đảm nhận tưới gần 6.900ha lúa. Các trà lúa đang trổ đều nên nhu cầu nước tưới tăng cao. Để cấp nước kịp thời và đúng lịch cho các cánh đồng, trạm đang huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên luân phiên trực điều tiết nước theo đúng lịch. Ngoài ra, hiện nay trạm bơm chống hạn Hòa Định cũng được khởi động để bơm nước sông Ba bổ sung cho kênh chính bắc”. Còn theo ông Nguyễn Thanh Phương, Trạm phó Thủy nông kênh Nam, đến thời điểm này tình hình cấp nước tưới trên hệ thống kênh Nam vẫn ổn định, chưa xảy ra tình trạng hạn cục bộ ở xứ đồng nào. Hiện nay trạm đang điều tiết nước tưới luân phiên, đảm bảo mỗi xứ đồng được cấp nước mỗi tuần 1 lần, thời gian lấy nước từ 2 đến 4 ngày (tùy vào diện tích tưới). Nhờ nước nguồn từ đập đầu mối về ổn định, cộng với hệ thống kênh chính và kênh nhánh của trạm thường xuyên được sửa chữa, vệ sinh định kỳ trước mỗi vụ tưới nên công tác ép nước đến các xứ đồng có nhiều thuận lợi.
Nhờ điều tiết nước tưới hợp lý, cộng với nguồn nước từ các hồ chứa, hệ thống đầu mối Đồng Cam được ổn định nên từ đầu vụ sản xuất đến nay, các xứ đồng thuộc khu tưới của Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam chưa xảy ra khô hạn. Ông Trần Văn Phụng ở thôn Phú Lương, xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho biết: “Diện tích lúa nhà tôi nằm ở khu tưới cuối kênh Đồng Cam nên thường xuyên xảy ra khô hạn. Nhưng vụ lúa đông xuân năm nay được công ty điều tiết đưa nước về kịp thời nên cây lúa vẫn phát triển tốt, không bị hạn như các năm trước”.
Ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết: Hiện nay công tác điều tiết tưới của đơn vị vẫn đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Các nguồn tưới ở các hồ chứa đều đảm bảo, lượng nước về đập Đồng Cam cũng ổn định nên công tác tưới chưa gặp trở ngại gì. Mặc dù vậy, công ty vẫn luôn có sẵn phương án chống hạn, chuẩn bị máy bơm và huy động thêm nhiều máy bơm của các HTX nếu xảy ra hạn cục bộ trong thời gian từ nay đến cuối vụ.
Trong khi các diện tích lúa trong khu tưới của Đồng Cam được cấp nước ổn định thì nhiều ngày qua, nhiều diện tích lúa ở một số địa phương khác đang bị khô nước, hạn nặng. Theo Sở NN-PTNT, tính đến nay toàn tỉnh đã có hơn 200ha lúa ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An và Sông Hinh bị khô hạn có nguy cơ mất trắng. Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Vụ đông xuân 2013-2014, Đồng Xuân gieo sạ được hơn 1.500ha lúa, vì không có mưa trong nhiều tháng liền đã làm cho một số diện tích lúa của xã Xuân Lãnh bị khô hạn; đã có hơn 47ha bị mất trắng, gần 43ha lúa còn lại cũng có nguy cơ mất trắng. Hiện nay, địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân nạo vét giếng, tận dụng các nguồn nước hiện có tại chỗ để bơm chống hạn cho cây lúa. Còn tại huyện Tuy An, nắng nóng và thiếu nước cũng làm cho 134ha lúa thuộc các xã An Xuân, An Lĩnh và An Nghiệp bị khô hạn.
Theo Sở NN-PTNT, hầu hết các diện tích bị khô hạn đều xảy ra ở những khu vực gò đồi, không có hệ thống thủy lợi, thiếu nguồn tưới nên rất khó khăn trong tìm kiếm nguồn nước để chống hạn. Mặc dù trước khi vào vụ sản xuất đông xuân năm nay, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo chuyển đổi trồng các loại cây chịu hạn ở những vùng đất cao, thiếu nước tưới, tuy nhiên việc thực hiện ở các địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
SƠN CA