Trên địa bàn huyện Đông Hòa, nhiều dự án lớn đang được triển khai với vài nghìn hộ dân bị ảnh hưởng cần phải di dời đến nơi ở mới. Huyện Đông Hòa đang nỗ lực làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để các dự án triển khai đúng tiến độ.
Chi trả tiền đền bù dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô cho người dân xã Hòa Tâm - Ảnh: T.HOÀI
KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC LỚN
Hiện nay, tại huyện Đông Hòa, các chủ đầu tư, nhà đầu tư triển khai 3 dự án lớn, gồm: Hầm đường bộ qua đèo Cả; Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Để thực hiện các dự án này, rất nhiều diện tích đất phải thu hồi, cùng với đó là hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng cần được đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa, chỉ riêng dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, qua kiểm tra phần 134ha dùng để xây cảng trên cạn đã có 254 hộ dân bị ảnh hưởng với số tiền đền bù, hỗ trợ gần 93 tỉ đồng; phần dọc theo tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà (quốc lộ 29) có 64 hộ được đền bù, với số tiền hỗ trợ hơn 6,2 tỉ đồng. Với phần diện tích 404ha dùng để xây dựng nhà máy, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa đã kiểm kê, đo đạc, áp giá xong cho 556 đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có 179 hộ gia đình cần được tái định cư.
Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư cũng có 1.464 trường hợp cần được đền bù, giải tỏa; còn công trình Hầm đường bộ qua đèo Cả thì có đến 339 đối tượng thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam bị ảnh hưởng, tổng số tiền phục vụ công tác giải phóng mặt bằng hơn 68 tỉ đồng. Như vậy, khối lượng công việc mà UBND huyện Đông Hòa cần phải thực hiện rất lớn, trong khi thời gian dành cho giải phóng mặt bằng không nhiều, tính chất lại rất phức tạp nên đòi hỏi địa phương này cần phải nỗ lực hết mình để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
NHIỀU KHÓ KHĂN
Ông Nguyễn Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết, công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi 3 dự án lớn đang triển khai trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, do nhận thức của một số người dân còn hạn chế; nhiều hộ dù biết rằng mình đã được bồi thường thỏa đáng nhưng vẫn tìm mọi cách chây ỳ để kèo nài thêm tiền đền bù. Một số hộ dân bị ảnh hưởng đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu thường khiếu nại giá bồi thường thấp, không đủ để di dời, xây dựng lại nhà. Một số hộ kinh doanh nhỏ, lẻ yêu cầu được hỗ trợ nhưng không đăng ký kinh doanh như nhà máy gạo, tiệm sửa xe… nên rất khó có cơ sở để xem xét. Số khác thì cho rằng diện tích đất đai bị ảnh hưởng có chênh lệch thấp so với giấy tờ dẫn đến việc không chịu nhận tiền đền bù. Việc xác định nguồn gốc đất để đền bù cho đúng cũng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như khu vực thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, nơi có một phần diện tích sẽ triển khai xây dựng Nhà máy lọc dầu Vũng Rô vốn là vùng kinh tế mới. Một số hộ dân đã tiến hành chuyển nhượng đất qua nhiều người và nhiều thời kỳ khác nhau nên nếu xác định không đúng, rất dễ xảy ra tranh chấp. Cùng với đó, người dân cho rằng mình phải được đền bù đất theo giá thị trường nên dù các ngành chức năng của huyện và tỉnh nhiều lần rà soát, đối chiếu với những quy định pháp luật về đất đai để người dân có lợi nhất nhưng nhiều người dù được bồi thường tiền tỉ vẫn chưa chấp nhận…
QUYẾT TÂM CAO
Theo cam kết với tỉnh, khoảng đầu tháng 4/2014, huyện Đông Hòa sẽ bàn giao mặt bằng trên diện tích 134ha cho nhà đầu tư khởi công dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. UBND huyện Đông Hòa đã huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức pháp luật. Về việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư, lãnh đạo huyện cùng các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã nhiều lần tổ chức đối thoại với những trường hợp ảnh hưởng của dự án; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đối thoại, những vấn đề người dân nêu ra hợp lý đều được huyện Đông Hòa kịp thời điều chỉnh, đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình được đền bù, giải tỏa. Một số trường hợp còn thắc mắc, khiếu nại, các cơ quan chức năng của địa phương kiên trì giải thích, thuyết phục bằng nhiều cách khác nhau. “Riêng với các trường hợp cố tình không chấp hành quy định của Nhà nước, chưa chịu nhận tiền đền bù của dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, chúng tôi kiên quyết thực hiện cưỡng chế. Cách làm của huyện là trước khi ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất, chúng tôi rà soát, đối chiếu kỹ càng những quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo thấu tình đạt lý để người dân trước hết tự giác tháo dỡ, trả mặt bằng để thực hiện dự án. Còn nếu có bị cưỡng chế phải tâm phục, khẩu phục”, ông Tài nói.
Chính cách làm tích cực và quyết liệt này mà đến nay, ngoài dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô chưa đến hạn bàn giao mặt bằng thì hai dự án còn lại đều đã có mặt bằng để triển khai thi công, dù vẫn còn một số vướng mắc. Điều này giúp cho chủ đầu tư, nhà đầu tư giải quyết được “bài toán” khó về mặt bằng trong quá trình triển khai các dự án, đảm bảo thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình. Những nỗ lực của huyện Đông Hòa trong việc giải phóng mặt bằng đã được các chủ đầu tư, nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao. Ông Trần Đại Xuân, Phó ban quản lý dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả nhận xét: Thời gian qua, chính quyền huyện Đông Hòa đã cố gắng thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp ảnh hưởng bởi dự án. Còn theo ông Nguyễn Văn Huy, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) thì dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 được triển khai với thời gian rất gấp nhưng nhờ sự ủng hộ của huyện Đông Hòa nên đến nay, gần 2/3 chiều dài đoạn đường cần được nâng cấp đã có mặt bằng sạch để thi công. Phần còn lại, chính quyền địa phương cũng đang tích cực đền bù, giải tỏa để bàn giao cho chủ đầu tư theo kế hoạch.
THANH HOÀI