Đã 4 tháng sau ngày khởi công nhưng các nhà thầu vẫn chưa thể triển khai dự án Kè chống xói lở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) do thiếu đất đắp. Địa phương đang kiến nghị UBND tỉnh và Sở TN-MT cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để các đơn vị thi công được khai thác đất phục vụ cho xây dựng công trình.
Xe máy thi công nằm chờ công trình vì chưa có đất đắp - Ảnh: T.HOÀI
4 THÁNG NẰM CHỜ
Dự án Kè chống xói lở đầm Cù Mông có tổng mức đầu tư hơn 185 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, ngân sách tỉnh và nguồn huy động khác. Toàn tuyến kè dài gần 14,4km, qua địa bàn 4 xã phía bắc TX Sông Cầu gồm Xuân Bình, Xuân Lộc, Xuân Hòa, Xuân Hải. Kè có quy mô đỉnh rộng 8,5m, mặt rộng 7,5m bằng bê tông xi măng kết hợp làm đường; mái taluy tùy theo địa hình được gia cố bằng các tấm đan bê tông hoặc trồng cỏ và xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống biển báo an toàn giao thông. Theo Ban quản lý dự án các công trình Đầu tư và Xây dựng cơ bản TX Sông Cầu (đại diện chủ đầu tư), kè chống xói lở đầm Cù Mông được triển khai nhằm bảo vệ khu vực dân cư ven đầm, khắc phục tình trạng xâm thực của triều cường, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Kè này còn phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn khẩn cấp khi mưa bão, triều cường và bước đầu hoàn chỉnh hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng tại vùng triển khai dự án…
Ông Nguyễn Lâm Sắt, Trưởng ban quản lý dự án các công trình Đầu tư và Xây dựng cơ bản TX Sông Cầu cho biết: Dự án Kè chống xói lở đầm Cù Mông được chia làm 3 gói thầu do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tiến Dung Kon Tum, Tổng công ty 36 và Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) thực hiện. Công trình được khởi công từ tháng 11/2013, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2015. Tuy nhiên, đến nay, các nhà thầu chỉ mới triển khai phát quang tuyến, khối lượng chưa đạt yêu cầu đề ra. Theo ông Sắt, khó khăn nhất hiện nay làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án là việc các nhà thầu chưa thể khai thác đất để thi công công trình. Để thi công thân kè, các nhà thầu cần khoảng 400.000m³ đất đắp nhưng thủ tục xin phép khai thác đất phải tuân thủ từng bước theo quy trình, cần nhiều thời gian mới có thể hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để được phép khai thác. Do đó, việc thi công sẽ phải kéo dài, không đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch. Thêm vào đó, hiện mặt bằng dự án vẫn còn vướng tại thôn 5, xã Xuân Hải. Khu vực này thuộc gói thầu số 2 do Tổng công ty 36 thi công nhưng còn trên 40 hộ dân chưa được kiểm kê, phê duyệt phương án đền bù nên nhà thầu vẫn đang án binh bất động.
CHỜ CƠ CHẾ KHAI THÁC ĐẤT
Thiếu tá Trần Hồng Trường, Chỉ huy trưởng công trường của Tổng công ty 36 cho biết: Gói thầu số 2 do đơn vị thi công có tổng giá trị 35 tỉ đồng. Ngay từ khi khởi công, đơn vị đã đưa vào công trường nhiều thiết bị, xe máy phục vụ thi công nhưng vì vướng mặt bằng và chưa có đất đắp nên xe máy, nhân công phải nằm chờ tại công trường suốt 4 tháng qua.
Không chỉ Tổng công ty 36 mà hơn chục đầu xe máy, thiết bị của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tiến Dung Kon Tum, Tổng công ty 319 cũng đang nằm chờ trên công trường. Nhà thầu đề nghị chủ đầu tư triển khai giải phóng mặt bằng, đồng thời có cơ chế đặc thù trong việc khai thác đất để các đơn vị thi công sớm triển khai công việc. Nếu chờ hoàn thành đúng thủ tục mới được khai thác thì Tổng công ty 36 buộc phải xin gia hạn hợp đồng.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TX Sông Cầu đã kiến nghị tỉnh, Sở TN-MT cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để các đơn vị thi công dự án được khai thác đất trong quá trình hoàn thành thủ tục pháp lý. Các điểm khai thác dự kiến tại thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình; thôn 2, xã Xuân Hải và núi Một, thôn Mỹ Phụng, xã Xuân Lộc. Ông Nguyễn Lâm Sắt cho biết: Trong 3 điểm khai thác đất nói trên có 2 điểm tại xã Xuân Bình và Xuân Hải trùng với khu vực quy hoạch quốc phòng; riêng điểm tại xã Xuân Lộc chưa có trong quy hoạch nhưng thuộc tuyến kè, cần phải đào đổ một phần khối lượng đất đá. UBND TX Sông Cầu kiến nghị tỉnh cho khai thác mở rộng để đủ khối lượng đất đắp thân kè, đồng thời tạo được mặt bằng cho địa phương xây mới 1 trường THCS phục vụ nhu cầu dạy và học cho học sinh ở địa bàn các thôn phía bắc xã Xuân Lộc.
Như vậy, chỉ vì chưa hoàn tất các thủ tục khai thác đất mà một dự án cấp thiết, có ý nghĩa dân sinh như kè chống xói lở đầm Cù Mông có nguy cơ kéo dài thời gian hoàn thành. Hiện quy định về khai thác đất cũng như các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng khác rất chặt chẽ nhưng với một công trình cấp bách như vậy, chủ đầu tư đang rất cần UBND tỉnh xem xét cho áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện.
THANH HOÀI