Hiện nay, trong khi vận tải hành khách liên tỉnh phát triển mạnh thì nhiều xe khách nội tỉnh ở Phú Yên đang hoạt động cầm chừng, thậm chí sống “lay lắt” hoặc chuyển sang vận tải hàng hóa.
Bến xe khách nội tỉnh: xe nhiều, khách ít - Ảnh: Đ.NGUYÊN
Với trên 2.000 xe ô tô đăng ký kinh doanh đang hoạt động, có thể nói ngành vận tải hành khách đường bộ Phú Yên có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh sự lớn mạnh không ngừng của các tuyến xe khách liên tỉnh thì các tuyến xe khách nội tỉnh lại đang hoạt động rất cầm chừng.
Hoạt động “rôm rả” nhất hiện nay của các tuyến xe khách nội tỉnh phải kể đến tuyến TP Tuy Hoà – Sông Cầu với trên dưới 10 đầu xe mỗi ngày. “Đông nhưng không vui” – ông Nguyễn Thương, tài xế chạy chiếc Huyndai 24 chỗ mang biển kiểm soát 78K – 1129 đang chờ khách tại bến xe nội tỉnh đã khái quát như vậy về tình hình hoạt động vận tải khách của tuyến này. Ông Thương cho biết thêm, với chi phí cho một chuyến xe đang tăng cao, chạy nhiều nguy cơ lỗ càng… lớn, bởi tổng chi phí cho một chuyến xe tuyến TP Tuy Hoà – Sông Cầu cũng “ngốn” trên 300.000 đồng. Trong khi đó, mỗi chuyến cả đi và về chỉ lấy được 1/3 số ghế hành khách theo quy định nên chuyện móc tiền túi ra để bù vào tiền xăng dầu là khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Ngọc Như, Chủ nhiệm HTX vận tải Hiệp Hưng (TP Tuy Hoà) cho biết: “Kể từ khi Nghị định 23 có hiệu lực, nhiều xe khách chạy liên tỉnh “hết đời” đã chuyển sang chạy nội tỉnh. Điều này càng làm cho tình trạng hiếm khách càng thêm trầm trọng hơn và đã có nhiều xã viên bỏ nghề”.
Để tự cứu mình, rất nhiều xe chạy tuyến này buộc phải chuyển sang làm dịch vụ vận tải hàng hoá “dù” với khách hàng là những đầu nậu có nhu cầu vận chuyển hàng nông thuỷ sản hay chủ đại lý kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng các vùng nông thôn, miền núi… Anh Ngô Văn Huy, xã viên HTX Hiệp Hưng chạy tuyến TP Tuy Hoà – Sơn Hoà cho biết: “Mấy năm trước, xe chạy còn nói đến chuyện bảo dưỡng và khấu hao tài sản. Còn bây giờ chỉ mong có khách để chở là quý lắm rồi. Tuần rồi tôi nhận được mấy mối hàng từ TP Tuy Hoà đi Suối Bạc (Sơn Hòa) chỉ với giá 250.000 đồng, thấp hơn mọi khi gần 50.000 đồng”.
Một tuyến vận tải khách nội tỉnh khác cũng đang tồn tại lay lắt đó là tuyến TP Tuy Hoà – Xuân Phước (Đồng Xuân). “Với loại xe 50 chỗ ngồi hoạt động liên tục 7 ngày trong tuần, nhưng mỗi chuyến chỉ có trên dưới 10 khách, thậm chí có chuyến chỉ 2 – 3 hành khách khi xe rời bến là chuyện…thường ngày” – ông Nguyễn Văn Thinh, một chủ xe chạy tuyến xe này, nói vậy.
Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhiều nhà xe vẫn “gồng” mình để duy trì tuyến và chở xen thêm các loại hàng hoá nông sản. Họ cho rằng không còn cách nào khác vì đa số các loại xe chạy các tuyến nội tỉnh đều đã “hết đời” nên không thể chạy các tuyến liên tỉnh.
Theo các nhà quản lý vận tải, bên cạnh chất lượng phục vụ chưa cao thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh đều trùng với các tuyến liên tỉnh. Đơn cử như: tuyến TP Tuy Hoà – Tuy An – Sông Cầu; TP Tuy Hoà - Sơn Hoà – KrôngPa – Gia Lai; Tuy Hoà – Sông Hinh – Đắc Lắc. Hành khách muốn đi các tuyến này hoặc ngược lại chỉ cần “ngoắc” xe chạy các tuyến này đều được bác tài sẵn sàng dừng xe đón.
Hiện tại, thị trường dịch vụ vận tải hành khách nội tỉnh cung đã vượt cầu, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhưng theo dự báo, trong vài năm đến, số lượng xe vận tải hành khách sẽ tăng hơn nữa vì nhiều xe hết niên hạn chạy tuyến liên tỉnh chuyển qua chạy nội tỉnh. Xem ra hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách nội tỉnh thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn.
ANH THƯ