Chủ Nhật, 29/09/2024 22:30 CH
Thu thuế giá trị gia tăng thủy hải sản:
Trạm thu mua Công ty Annasea lợi dụng để ép giá ngư dân?
Thứ Năm, 29/03/2007 07:00 SA

Tuần qua Chi cục thuế TP Tuy Hoà và các cơ quan chức năng bắt đầu thắt chặt việc thu thuế giá trị gia tăng mặt hàng thuỷ hải sản đối với các doanh nghiệp và hộ cá thể. Trong khi doanh nghiệp chưa thực hiện nộp thuế thì đã có hiện tượng ép giá ngư dân.

 

070328-bg.jpg

Đóng thùng lạnh cá ngừ đại dương tại trạm thu mua ở TP Tuy Hoà của Annasea - Ảnh: KHOA THY

 

XUẤT HOÁ ĐƠN TẠI NƠI THU MUA: CÓ LỢI CHO DOANH NGHIỆP

 

Ông Trần Đức Hạnh, Trưởng bộ phận thu mua của Công ty TNHH Đại Thuận (Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hoà) – đơn vị có hoạt động hợp tác với nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể tại Phú Yên để thu mua nguyên liệu hải sản (chủ yếu là cá ngừ đại dương) - cho biết: “Chúng tôi làm ăn rất minh bạch, tất cả các mặt hàng, lô hàng thu mua đều phải xuất hoá đơn GTGT tại gốc. Điều này hoàn toàn thuận lợi trong công tác kinh doanh của chúng tôi vì thuế GTGT không cấu thành trong giá trị sản phẩm và đối tượng phải chịu thuế này là người tiêu dùng chứ không phải doanh nghiệp. Thuế GTGT được đóng một lần và đi theo suốt quá trình vận chuyển, kinh doanh. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT khi mặt hàng được tăng thêm giá trị qua từng công đoạn và được hoàn thuế 100% khi chúng tôi xuất khẩu các mặt hàng này. Tức là doanh nghiệp chỉ tạm đóng cho nhà nước một khoản thuế, nó không mất đi mà còn tạo thuận lợi cho việc mua bán”. Ông Hạnh cho chúng tôi xem tất cả hoá đơn GTGT các mặt hàng mới được thu mua tại Phú Yên, từ cá bò, cá ngừ, cá dò, cá thầy bói… rồi cho biết thêm: “Mọi người nhìn vào cứ tưởng doanh nghiệp phải chịu thuế quá nhiều vì mua bán chỉ 1.000 đồng cũng có hoá đơn. Kỳ thực, việc này hoàn toàn có lợi bởi nếu âm thuế trong 3 tháng liền hoặc xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp đều được tính trả lại tiền thuế chính xác đến từng đồng”.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ DNTN Thanh Sơn (TP Tuy Hoà) cho rằng: “Việc sử dụng hoá đơn thuế GTGT tại nơi thu mua, ngoài việc đóng góp cho ngân sách địa phương một cách chính đáng còn giúp cho doanh nghiệp có cơ sở vững chắc trong quá trình kinh doanh. Một khi doanh nghiệp mẹ, hoặc đối tác “có vấn đề”, chính những hoá đơn sẽ là công nợ để đòi được nợ. Nếu không có những hoá đơn, chứng từ tài chính này, việc xác minh số lượng hàng hoá mua bán rất khó khăn”.

 

Theo chúng tôi, doanh nghiệp được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, từ chính sách ưu đãi ở địa phương nào thì có nhiệm vụ với địa phương đó cũng là chính đáng. Nếu không sử dụng hoá đơn GTGT khi xuất hàng, doanh nghiệp cũng phải chịu thuế buôn chuyến quy ra là 2,89% giá trị hàng hoá. Thuế này không được khấu trừ hoặc hoàn thuế. Như vậy, việc không sử dụng hoá đơn GTGT tại điểm thu mua chỉ có hại cho doanh nghiệp và ngư dân. Không phải kiểu nộp thuế GTGT 5% thì ép 5 giá đối với cá của ngư dân như trường hợp của Annasea “đề ra”.

Hằng năm, ngư dân Phú Yên đánh bắt hơn 4.000 tấn cá ngừ đại dương và hàng trăm nghìn tấn các loại thuỷ, hải sản khác. Chỉ tính riêng cá ngừ đại dương, ngoài lượng cá xuất khẩu ra nước ngoài không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì lượng cá được mua bán trong nước cũng không ít. Theo quy định thuế suất GTGT thuỷ hải sản kinh doanh trong nước là 5%, tuy nhiên, từ năm 2006 trở về trước, Phú Yên không thu được khoản này do hoạt động mua bán cá ngừ đại dương đều do các đầu nậu chi phối, không sử dụng hoá đơn tài chính phù hợp ngay từ nơi thu mua.

 

CHƯA NỘP THUẾ GTGT TẠI ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ ÉP GIÁ NGƯ DÂN

 

Theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế, doanh nghiệp có thể sử dụng hai phương pháp sử dụng hoá đơn tài chính: Kê khai, xuất hoá đơn GTGT tại nơi thu mua để chuyển về trụ sở chính (tức đã nộp thuế GTGT điểm thu mua); Kê khai, dùng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ để đưa hàng được thu mua về trụ sở chính và nộp thuế GTGT tại nơi đóng trụ sở chính.

 

Theo vận động của Chi cục Thuế TP Tuy Hoà, đầu mùa vụ cá ngừ 2007, hầu hết các doanh nghiệp, chi nhánh và hộ cá thể kinh doanh lĩnh vực này đã thành lập tư cách pháp nhân, sử dụng hoá đơn tài chính khi mua bán. Đơn vị duy nhất không thực hiện phương pháp nộp thuế GTGT tại Phú Yên vào thời điểm này là trạm thu mua của Công ty Annasea, trụ sở chính tại quận Phú Nhuận  (TP HCM).

 

Từ ngày 13 đến 15/3/2007, trạm thu mua Công ty Annasea đã thông báo với ngư dân là trạm phải giảm giá từ 73.000 đồng/kg xuống còn 68.000 đồng/kg đối với cá loại một để… “nộp thuế tại địa phương” vì cùng lúc phải đóng thuế hai nơi (!). Nhiều ngư dân đã rất bức xúc. Giải thích việc này, Trưởng trạm thu mua công ty Annasea tại TP Tuy Hoà Lê Văn Lợi cho biết: “Dù nói thế, nhưng chúng tôi chưa thực hiện!”. Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều ngư dân, giá thu mua cá ngừ đã liên tục giảm từ 73.000 đồng xuống 69.000 đồng, rồi 67.000 đồng/kg và hiện nay là 65.000 đồng/kg. Trong khi cùng thời điểm, giá tại hai tỉnh lân cận Bình Định và Khánh Hoà là 81.000 đồng/kg.

 

Như vậy, những người thu mua cá ngừ đại dương chưa đóng góp cho ngân sách địa phương đồng nào theo vận động thì đã hạ giá mua cá của ngư dân.

 

THỰC CHẤT VẤN ĐỀ LÀ GÌ?

 

070328-ca-ngu-dd.jpg
Sơ chế cá ngừ đại dương tại phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: N.LƯU

 

Thực chất của vấn đề không nằm ở những cách lý giải của trạm thu mua Công ty Annasea, mà chính là từ việc ép phẩm cấp cá của ngư dân. Trong khi giá cá loại một dao động trên dưới 70.000 đồng/kg thì giá cá loại hai là 44.000 đồng/kg. Đặt trường hợp, sử dụng hoá đơn GTGT tại điểm thu mua, tức cá đã được phân loại chính xác, điều này không có lợi cho những người mua bán nhưng thực chất việc phân loại tại điểm thu mua chỉ là sơ khởi, sau khi cá được đưa vào TP HCM sẽ được phân loại lại. Tại đó, số lượng cá loại hai được đôn lên cá loại một là bao nhiêu, ngư dân không thể nào biết được. Người phải chịu thiệt vẫn chỉ là những người bỏ công sức đánh bắt.

 

Tổ chức hoạt động mua bán quy củ, sử dụng hoá đơn tài chính phù hợp ngay tại điểm thu mua không những giúp tăng nguồn thu địa phương mà còn giúp cho ngư dân đỡ bị ép giá, ép phẩm cấp vô tội vạ như trong suốt thời gian qua…

 

LY KHA – NGUYÊN LƯU

 

Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Tuy Hòa Võ Thành Hưng:

 

“Quản lý chặt thu thuế đối với hoạt động thu mua hải sản”

 

Trong những năm qua, ngư dân TP Tuy Hòa thường khai thác được sản lượng cá ngừ đại dương lớn. Tuy nhiên, phần lớn nguồn hải sản này do các doanh nghiệp, cá nhân ngoài tỉnh thu mua đưa về trụ sở chính để tiêu thụ, gây mất nguồn thu cho địa phương. Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Tuy Hòa Võ Thành Hưng cho biết:

 

- Hiện nay, trên địa bàn TP Tuy Hòa có 17 doanh nghiệp và cá nhân thu mua hải sản, hầu hết là cá ngừ đại dương. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở phường 6 với 5 doanh nghiệp (2 doanh nghiệp ở ngoài tỉnh), 5 cá nhân mua hải sản. Mặc dù ngành thuế đã thường xuyên kiểm tra tình hình đăng ký kinh doanh, nộp thuế của đơn vị nhưng chỉ có một số doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện tương đối tốt. Các doanh nghiệp ngoài tỉnh đã viện nhiều lý do để không đăng ký, kê khai nộp thuế tại Phú Yên.

 

* Chi cục Thuế TP Tuy Hòa đã có những giải pháp gì để tăng cường quản lý thu thuế mua bán hải sản trên địa bàn TP Tuy Hòa, thưa ông?

 

- Thực hiện Công văn chỉ đạo số 1434/UBND-TC của UBND tỉnh và Công văn số 1194/CT của Cục Thuế tỉnh về việc tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động thu mua thủy sản, Chi cục Thuế TP Tuy Hòa đã tổ chức họp liên ngành thuế, công an, quản lý thị trường, biên phòng để thống nhất các văn bản pháp quy trong phối hợp thực hiện các biện pháp thu thuế mua bán hải sản trên địa bàn TP Tuy Hòa. Chi cục thành lập hai tổ giám sát tại cảng cá phường 6 và phường Phú Lâm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và nắm lại số lượng các doanh nghiệp, cá nhân tham gia mua bán cá ngừ và các loại hải sản khác ở ven biển thành phố.

 

Hiện nay, Chi cục Thuế TP Tuy Hòa đang yêu cầu các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua hải sản tại Phú Yên phải đăng ký thành lập chi nhánh, nhằm quản lý thu thuế tại địa phương.

 

* Theo quy định của Bộ Tài chính, các tổ chức thu mua hải sản đưa về trụ sở chính để tiêu thụ, mà không cần phải đóng thuế tại nơi thu mua. Như vậy, nếu Chi cục Thuế TP Tuy Hòa bắt buộc các doanh nghiệp ngoài tỉnh phải đăng ký thành lập chi nhánh tại Phú Yên để quản lý thu thuế thì có vi phạm luật định không, thưa ông?

 

- Bộ Tài chính quy định cơ chế quản lý nguồn thu gồm hai phương pháp khác nhau tại nơi thu mua hoặc nơi tiêu thụ. Do vậy, chi cục yêu cầu các doanh nghiệp ngoài tỉnh phải đăng ký thành lập chi nhánh tại Phú Yên là cũng hoàn toàn phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính về thu thuế ở nơi thu mua hải sản. Vấn đề đặt ra là chi cục có tránh nhiệm hướng dẫn các chi nhánh đăng ký thuế theo đúng quy định tại điểm 2, mục I, phần C của Thông tư số 120/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT).

 

Hiện nay, chi cục đang tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thu mua hải sản thực hiện theo chủ trương chung của tỉnh trong công tác quản lý thu thuế; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng thuế GTGT để nộp thuế tại địa phương thu mua hải sản trong tỉnh.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

NGUYÊN LƯU – LY KHA (Thực hiện)

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek