Những ngày giáp tết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh, việc mua bán, giết mổ động vật ở các địa phương cũng tăng theo. Nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết, ngành Thú y đang thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát việc mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại chợ TP Tuy Hòa - Ảnh: T.TIÊN
NHU CẦU TĂNG MẠNH
Càng giáp tết, việc sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng càng tăng mạnh, đặc biệt là các loại thịt gia súc, gia cầm… Điều này dễ dàng nhận thấy tại các khu hàng thực phẩm ở các chợ. Bà Huỳnh Thị Thủy, một tiểu thương bán thịt heo tại chợ TP Tuy Hòa, cho biết: “Tháng trước, khu hàng mua bán thịt chỉ bắt đầu hoạt động từ khoảng 5 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa là nghỉ, còn nay thì bán từ 3 giờ sáng đến hơn 15 giờ”. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên lượng thịt heo bán ra mỗi ngày của các tiểu thương ở chợ cũng tăng mạnh. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, chủ một quầy thịt heo ở chợ Tân Hiệp (phường 2, TP Tuy Hòa), hiện nay mỗi ngày hàng thịt của chị bán được khoảng 300kg, tăng hơn gấp đôi so với tháng trước. Khả năng những ngày tới lượng thịt tiêu thụ sẽ còn tăng cao hơn nữa vì nhu cầu mua thịt dự trữ cũng như chế biến các món ăn cho ngày tết sẽ càng cao.
Những ngày này nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm sống khác như thịt bò và gia cầm cũng tăng không kém. Bà Trần Thị Thu Lan, một tiểu thương mua bán gia cầm sống tại chợ TP Tuy Hòa cho hay: “Những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày tôi bán được hơn trăm con gà, vịt cho người tiêu dùng để phục vụ các dịp liên hoan cuối năm, tất niên, giỗ tổ nghề”.
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao nên việc mua bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật cũng tăng cao. Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện số lượng động vật và sản phẩm động vật được nhập về tỉnh với số lượng lớn. Riêng trong tháng 12/2013, lượng xe vận chuyển gia súc, gia cầm nhập vào tỉnh là hơn 340 chiếc, trong đó 217 xe chở heo về để giết mổ với hơn 5.400 con, tăng hơn 1.300 con so với tháng trước; 43 xe chở gia cầm với hơn 87.000 con, tăng hơn 50.000 con. Ngoài ra, số lượng động vật giết mổ trên địa bàn tỉnh cũng tăng mạnh, trong tháng 12/2013, toàn tỉnh đã giết mổ hơn 400 con bò, gần 8.000 con heo và hơn 42.000 con gia cầm.
Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Đây là những con số mà ngành Thú y tỉnh thống kê được tại các chốt, trạm có xe vận chuyển đi qua hay tại các cơ sở giết mổ có đăng ký. Trên thực tế, số lượng động vật được nhập vào tỉnh cũng như số gia súc, gia cầm được giết mổ có thể còn cao hơn vì vẫn còn trường hợp lén lút giết mổ tại nhà, hoặc có nhiều xe vận chuyển động vật từ Đắk Lắk về vẫn chưa được kiểm soát.
TẬP TRUNG KIỂM SOÁT
Nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp tết, ngành Thú y tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật vào tỉnh và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại Trạm Kiểm dịch Hảo Sơn (Đông Hòa) và chốt kiểm dịch Bình Phú (TX Sông Cầu) được triển khai 24/24 giờ. Tại các huyện, thị xã, thành phố đều có 1 trạm thú y để theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh động vật; theo dõi việc xuất, nhập đàn, hoạt động mua bán, giết mổ động vật của địa phương…
Theo số liệu thống kê của ngành Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được cấp phép hoạt động. Các cơ sở giết mổ này đều đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của một điểm giết mổ động vật như: Có khu vực giết mổ riêng biệt, có khu vực nuôi, nhốt, chứa động vật sống chờ giết mổ, có đủ phương tiện giết mổ, dụng cụ chứa đựng thịt và phụ phẩm theo quy mô của cơ sở giết mổ, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường… Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Tại các cơ sở giết mổ động vật này, mỗi ngày đều có các kiểm dịch viên đến giám sát, kiểm tra hoạt động (các kiểm dịch viên này có thể là cán bộ thú y của các trạm hoặc nhân viên thú y hợp đồng). Công tác kiểm soát giết mổ được thực hiện theo đúng các quy trình đã quy định. Cụ thể, đối với gia súc được nuôi trong tỉnh, cán bộ thú y sẽ kiểm tra lâm sàng, nếu không phát hiện có dấu hiệu mắc các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh… sẽ được phép mổ; sau khi ra thành phẩm, cán bộ thú y sẽ đóng dấu kiểm dịch trên thành phẩm đủ điều kiện đưa đi tiêu thụ. Đối với gia súc nhập, cán bộ thú y sẽ kiểm tra các thủ tục kiểm dịch, nuôi nhốt từ 6 đến 12 giờ, tiến hành kiểm tra lâm sàng sau đó mới cho giết mổ.
Tuy nhiên, hiện có một bộ phận người hành nghề giết mổ gia súc vẫn chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định trên, lén lút giết mổ, không kê khai với ngành chức năng, gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh động vật, vệ sinh thực phẩm…
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đào Lý Nhĩ cho biết: Để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn ra thị trường, ngành Thú y tỉnh đang siết chặt công tác kiểm tra, chỉ cho phép nhập hoặc quá cảnh qua địa phận tỉnh những phương tiện chở động vật và sản phẩm động vật có đầy đủ hồ sơ kiểm dịch theo quy định và không có các dấu hiệu bệnh lâm sàng... Đồng thời, ngành tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại những cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Về phía người tiêu dùng cần lưu ý, khi mua sản phẩm động vật nên chọn mua tại những cửa hàng uy tín và sản phẩm có dấu kiểm dịch theo quy định của cơ quan chức năng.
THỦY TIÊN