Thứ Ba, 01/10/2024 22:39 CH
6 giải pháp có thể thúc đẩy sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển
Thứ Ba, 17/01/2006 08:07 SA

Làm thế nào để thúc đẩy sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề phát triển nhanh, vững chắc, đạt mục tiêu: tốc độ tăng trưởng bình quân 11- 12%/năm và tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn? Những giải pháp hữu hiệu nào để có thể đưa nền TTCN tỉnh nhà phát triển xứng với tiềm năng, đồng thời tạo động lực phát triển cho những năm tiếp theo? Dưới đây là các đề xuất về giải pháp.

 

Những sản phẩm mới được đan từ cói Ô Loan - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

Thứ nhất là về vùng nguyên liệu: Lâu nay mặt hàng TTCN được sản xuất theo hình thức địa phương có sẵn nguyên liệu đáp ứng được loại sản phẩm mà thị trường yêu cầu. Điều này có ưu điểm là ta sản xuất cái mà thị trường cần, nhưng nhược điểm là bị động về nguyên liệu và dẫn đến tư tưởng xem nhẹ việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Để xử lý vấn đề này cần đi theo hướng: Trên cơ sở các sản phẩm thị trường đang cần, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất (CSSX) chủ động phát triển sản phẩm mới (đa dạng hoá sản phẩm trên cùng một nền nguyên liệu) để hình thành một thị trường nguyên liệu ổn định tại tỉnh và định hướng tiêu dùng sản phẩm từ nguyên liệu sẵn có.

 

Thứ hai là về mẫu mã sản phẩm: Đây là khâu rất yếu trong sản xuất TTCN, kể cả ở một số mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như mây tre lá, hải sản khô, nước mắm. Yếu tố này thể hiện sự thụ động trong tổ chức sản xuất, thiếu thông tin về nhu cầu thị trường và cán bộ có kiến thức về mỹ thuật công nghiệp. Vì thế DN, CSSX cần tuyển chọn nhân lực có năng khiếu nghề nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ một phần để tổ chức đào tạo tại tỉnh hoặc để thu hút sinh viên mới tốt nghiệp về làm việc tại các DN. Bên cạnh đó các cơ sở phải chủ động đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh như: bánh tráng gắn với bún khô, hải sản khô gắn với hải sản ăn liền,… hoặc đầu tư nghiên cứu tích cực chào hàng các sản phẩm mới mà nguyên liệu là phụ phẩm từ các ngành sản xuất khác như sản phẩm từ rơm rạ, lá mía,…

 

Thợ gốm - Ảnh: Ngọc Ánh

Thứ ba là về hợp tác, phân công sản xuất để tạo khối lượng hàng hoá đáp ứng nhu cầu khách hàng: Bản chất sẵn có của sản xuất TTCN là phân tán, manh mún, chất lượng không đồng đều trong cùng một cơ sở sản xuất và cùng loại sản phẩm mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất và thiếu tiêu chuẩn của sản phẩm. Để các sản phẩm đều có mẫu mã và chất lượng như nhau nên đi theo hướng: Sớm hình thành hiệp hội nghề nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng các tiêu chí nội bộ của sản phẩm để bảo đảm sự thống nhất cho các sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất, các sản phẩm có cùng nhãn hiệu hàng hóa hoặc phân công để sản xuất (đối với các sản phẩm có quy trình sản xuất tương đối độc lập); hình thành doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, được lựa chọn trên cơ sở các DN hiện có và sự hỗ trợ của nhà nước để xây dựng thành một DN đủ mạnh (DN đầu đàn) vừa tổ chức sản xuất, vừa cung cấp dịch vụ sản xuất và gom hàng từ các cơ sở khác để đưa ra thị trường; có sự hỗ trợ, cung cấp thông tin về thị trường từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh.

 

Thứ tư là xây dựng nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) gắn với quảng bá sản phẩm: Đây là lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm và đã thực hiện trong thời gian qua. Xây dựng NHHH là một hoạt động ít tốn kém kinh phí (thời gian khoảng 1 năm kể từ khi nộp đơn) nhưng ít được các CSSX chú ý thực hiện; Về quảng bá sản phẩm: Hầu hết các CSSX rất ít quan tâm tham gia quảng bá sản phẩm, kể cả các sản phẩm sau khi được trao tặng các danh hiệu, huy chương trong các hội chợ. Đây là điểm yếu của nhiều CSSX. Do đó các CSSX cần nhận thức sâu sắc hơn nữa là muốn mở rộng sản xuất để tăng thu nhập cho mình thì sản phẩm phải có tên gọi và được pháp luật công nhận. Thông qua tên gọi đó sản phẩm mới có thể được đưa đi quảng bá cho người tiêu dùng biết và cũng chỉ khi nào người tiêu dùng biết thì sản phẩm mới có cơ hội mở rộng thị trường.

 

Thứ năm là đưa thông tin đến các CSSX: Hệ thống cơ chế chính sách của nhà nước, của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất TTCN đã tương đối đầy đủ nhưng thực tế là phía cơ sở chưa nhận được đầy đủ. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chỉ đạo định hướng để các đài truyền thanh địa phương (cả huyện và xã) xây dựng các chuyên mục riêng để cung cấp thông tin cho nhân dân.

 

Thứ năm là về mặt bằng sản xuất: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cụm điểm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

Để các giải pháp trên thực hiện có hiệu quả, tỉnh cần phải có sự nghiên cứu tổng thể để xây dựng một chiến lược phát triển TTCN và làng nghề ở cấp tỉnh và cấp xã hoặc cụm xã; tăng cường vai trò chủ đạo của các DN nhà nước trong việc tiêu thụ các sản phẩm TTCN, trong đó có chính sách khuyến khích bằng kinh tế khi DN tham gia vào lĩnh vực này; Các địa phương mà đặc biệt là cấp xã cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương của nhà nước và của tỉnh trong việc phát triển sản xuất TTCN của địa phương mình.

 

ĐÀO TẤN CAM

Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek