Nhờ đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên hàng năm sản lượng lương thực trên các cánh đồng do Hợp tác xã Nông nghiệp An Ninh Tây (HTX An Ninh Tây) quản lý luôn đạt cao. Xã viên có điều kiện làm thêm các ngành nghề khác, tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Tổ kỹ thuật của HTX An Ninh Tây đang bảo trì máy gặt đập liên hợp, sẵn sàng cho vụ đông xuân 2013-2014 - Ảnh: M.DUYÊN
Theo ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX An Ninh Tây, trên địa bàn HTX có 397ha lúa 2 vụ của 1.812 hộ nông nghiệp. Vụ hè thu năm 2013, năng suất lúa bình quân của HTX đạt 67tạ/ha, cao hơn 6,4 tạ/ha so với năng suất bình quân của huyện Tuy An. Nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa, giải phóng sức lao động cho xã viên, Ban quản trị (BQT) HTX đã đầu tư hơn 4 tỉ đồng mua máy thực hiện hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp như làm đất, thu hoạch và tuốt lúa.
HTX An Ninh Tây đang sở hữu 8 máy cày, 6 máy gặt đập liên hợp, 5 đầu tuốt lúa và 1 xe tải nhẹ. Vào đầu mỗi vụ, đội máy cày được bố trí đều tại các đồng của HTX như đồng Miễu, đồng Già, đồng Tiệm, Hốc Cam…; đảm bảo 100% diện tích ruộng được cày ải, phục vụ kịp thời lịch xuống giống của bà con. Giá dịch vụ cày của HTX là 1,1 triệu đồng/ha, thấp hơn giá các xã lân cận từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/ha. Năm 2013, dịch vụ này mang lại doanh thu hơn 522 triệu đồng, cho lãi sau thuế gần 67 triệu đồng.
Đến kỳ thu hoạch, 6 máy gặt đập liên hợp của HTX hoạt động liên tục để việc thu hoạch lúa được đồng bộ, tránh tình trạng lúa ủ đồng làm giảm chất lượng. HTX thu 2,4 triệu đồng/ha, thấp hơn giá gặt thủ công tới gần 2 triệu đồng/ha. Dịch vụ này mang lại doanh thu hơn 478 triệu đồng, cho lãi hơn 83 triệu đồng. Sau khi gặt, nếu xã viên có nhu cầu, HTX cho máy tuốt lúa ngay tại chân ruộng với giá 600.000 đồng/ha, thấp hơn các xã lân cận 400.000 đồng/ha. Nhờ vậy hàng năm, HTX có thêm gần 25 triệu đồng doanh thu từ dịch vụ tuốt lúa.
Xã viên Phạm Thị Mười (thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây) chia sẻ, từ khi HTX An Ninh Tây có các dịch vụ cày đất, gặt rồi tuốt lúa và chở lúa về tận nhà, gia đình tôi không còn phải vất vả nhiều với công việc đồng áng nữa. Trước đây với chỉ 3 sào ruộng, cả 2 vợ chồng phải làm quần quật mỗi khi thời vụ gieo sạ hoặc thu hoạch, thỉnh thoảng phụ thêm công của cả 2 con mà vẫn thấy bộn bề. Nay, việc làm đồng của gia đình chỉ cần chồng tôi làm, riêng tôi không phải làm ruộng nên đi làm công nhân tách vỏ hạt điều, có thêm thu nhập ổn định hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Nhờ có máy móc HTX làm thay mà thời gian nông nhàn nhiều hơn, chồng tôi tranh thủ đi phụ hồ, cũng có thêm khoảng 7 triệu đồng/năm.
Ông Lưu Minh Phương, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây nhận xét, nhờ mạnh dạn đầu tư mua máy móc, mở các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp nên hàng năm đơn vị này luôn tạo được doanh thu và có lãi để tăng thêm nguồn vốn hoạt động, giúp duy trì và phát triển HTX. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn giúp tăng năng suất cây trồng; giải phóng sức lao động cho người dân trong xã để họ có điều kiện làm thêm các nghề khác, có thêm thu nhập. Năm 2013, các dịch vụ của HTX An Ninh Tây mang lại tổng doanh thu hơn 2,6 tỉ đồng, cho lãi trước thuế hơn 387 triệu đồng. HTX thực hiện đóng BHXH cho 22 người. Phục vụ hơn nữa lợi ích xã viên là hướng đi đúng của HTX theo tinh thần của Luật HTX 2012 sửa đổi.
BẠCH VÂN