Thứ Hai, 25/11/2024 01:19 SA
Doanh nghiệp có nợ xấu vẫn được vay mới
Thứ Sáu, 29/11/2013 07:35 SA

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với tổ chức tín dụng và khách hàng liên quan đến điều kiện, thủ tục tín dụng. Đây được ví như “cánh cửa mở” giúp các doanh nghiệp vướng nợ xấu có điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết:

 

nh131129.jpg

Các ngân hàng thương mại đang tích cực cơ cấu lại nợ, xem xét cho vay mới đối với doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi - Ảnh: L.HẢO

Công văn 7558/NHH-TD của Ngân hàng Nhà nước được ban hành nhằm tháo gỡ một số điều kiện, thủ tục trong việc cấp tín dụng, mở ra một số cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong thời điểm cuối năm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng xem xét miễn, giảm lãi vốn vay, không thu lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước nợ lãi sau… đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ. Đối với các khoản vay đang ở kỳ hạn ngắn nhưng doanh nghiệp đầu tư trung và dài hạn thì ngân hàng sẽ xem xét, đánh giá dự án; nếu hiệu quả, đáp ứng đủ điều kiện thì yêu cầu khách hàng bổ sung hồ sơ để cơ cấu lại thời hạn vay cho phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay. Đặc biệt, theo công văn này, doanh nghiệp có nợ xấu tại ngân hàng nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh mới sẽ được ngân hàng xem xét tính khả thi, hiệu quả của dự án để tính toán cho vay, đảm bảo thu hồi được nợ mới, đồng thời giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động để trả dần nợ cũ.

* Tại Phú Yên, các tổ chức tín dụng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như thế nào, thưa ông?

- Sau khi Công văn 7558/NHNN-TD được ban hành, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm lãi, cơ cấu lại nợ, gia hạn tối đa thời gian trả nợ cho khách hàng vay. Các ngân hàng cũng bám sát hoạt động của doanh nghiệp để phân tích nợ, có kế hoạch thu hồi nợ; đồng thời tiếp tục cho một số doanh nghiệp vay mới để sản xuất, kinh doanh. Đến nay, các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đã cơ cấu lại nợ cho 3.019 khách hàng với tổng số nợ gốc 787 tỉ đồng, nợ lãi 70 tỉ đồng. Đặc biệt, các ngân hàng đang áp dụng biện pháp hỗ trợ đối với một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành Điều trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các ngân hàng đã gia hạn 175 tỉ đồng dư nợ gốc và 1,5 tỉ đồng nợ lãi; những khoản vay có mức lãi suất trên 13% đã được đưa về mức 13%/năm hoặc thấp hơn. Một số doanh nghiệp được vay mới với mức lãi suất 10,5%/năm (đối với VND) và 5,5%/năm (đối với USD). Các ngân hàng thương mại cũng đã giải chấp hơn 14.700 tấn điều thô tương ứng gần 250 tỉ đồng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp điều tiếp tục chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn tích cực xem xét miễn giảm lãi vay cũng như tiếp tục gia hạn nợ trên cơ sở phương án hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

* Theo ông, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khi thực hiện công văn này là gì?

- Công văn của Ngân hàng Nhà nước ra đời là cơ hội giúp doanh nghiệp giải cơn “khát” vốn, đồng thời giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, hiện các yếu tố kinh tế vĩ mô chưa khởi sắc, tình hình triển khai một số dự án lớn ở Phú Yên cũng chưa có bước đột phá nên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa mạnh dạn vay vốn để mở rộng đầu tư. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng, cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm nhưng hiện doanh nghiệp chưa có nhu cầu nên ngân hàng chưa thể giải ngân.

* Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép thực hiện Công văn 7558 đến hết năm nay. Theo ông, khoảng thời gian này có đủ để chính sách đi vào cuộc sống?

- Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng do lãi suất cao, vướng nợ xấu nên khó tiếp cận vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã từng bước tháo gỡ những khó khăn này khi chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất của 3, 4 năm về trước. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp hầu như không còn phàn nàn về vấn đề lãi suất nữa. Mới đây, Công văn 7558 ra đời đã tháo gỡ nút thắt về điều kiện và thủ tục pháp lý; qua đó ngân hàng có thể giải ngân vốn mà không cần xem xét đến tất cả các điều kiện vay theo quy định. Với chính sách “mở” này, ngay cả doanh nghiệp vướng nợ xấu cũng sẽ được vay mới nếu có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Như vậy, Công văn 7558 vừa là giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vừa là bài thuốc thử đối với doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Nếu do­anh nghiệp có tầm nhìn, có thể nhận định được sự phát triển của thị trường để có hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả thì ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay. Cứu doanh nghiệp cũng chính là cứu ngân hàng nên cả 2 bên cần cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Ngân hàng có thiện chí thì doanh nghiệp cũng phải tạo được niềm tin để sự hợp tác ngày càng bền vững.

* Xin cảm ơn ông!

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek