Xác nhận đơn xin cải tạo đất sản xuất sai quy định, thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, chính quyền xã Đa Lộc (Đồng Xuân) đã để một cá nhân lợi dụng khai thác khoáng sản trái phép thời gian dài, khiến nhiều người dân bất bình.
Hiện trường vụ khai thác đá trái phép - Ảnh: P.NAM
XÁC NHẬN SAI THẨM QUYỀN
Sự việc bắt đầu từ lá đơn xin cải tạo đất đồi tại thôn 1 của ông Tạ Ngọc Yên (trú thôn 2, xã Đa Lộc). Đơn được Phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc Phạm Thế Vụ ký xác nhận ngày 16/7/2013. Nội dung đơn trình bày: “Mảnh đất hiện bỏ hoang không trồng gì được, mặt bằng gồ ghề. Hơn nữa, do đá quá nhiều, cải tạo san lấp không thể nào bằng sức người được, nên tôi (ông Yên - PV) thuê phương tiện cơ giới san lấp mặt bằng ổn định để gia đình trồng trọt được hiệu quả hơn…”. Theo ông Cao Thanh Lương, Trưởng phòng TN-MT huyện Đồng Xuân, việc UBND xã Đa Lộc đồng ý cho ông Yên cải tạo đất là không đúng với quy định; trong khi đó lại thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Ngoài việc ký xác nhận đơn cải tạo đất của ông Yên sai với quy định, UBND xã Đa Lộc cũng không hề quan tâm đến yếu tố thời gian, độ sâu, vị trí, diện tích thửa đất xin cải tạo cụ thể và báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, mà chỉ xác nhận một cách sơ sài: “Đám đất đó là đất đồi của ông Tạ Ngọc Yên là đúng”. Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của xã, ông Yên tự do tung hoành trên phần đất xem như được “cấp phép” cải tạo của mình để khai thác khoáng sản.
CHẬM THU HỒI ĐƠN
Mặc dù đã bị xử phạt do khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, nhưng ông Yên không những không chấp hành mà tiếp tục vi phạm. Theo kết quả kiểm tra ngày 6/11 vừa qua của Sở TN-MT thì vị trí ông Yên khai thác khoáng sản trái phép được xác định tại khu đá Chẹc thuộc thôn 1, xã Đa Lộc. Tại hiện trường còn 2 khối đá từ 20 đến 50m3 đã được khoan để tách, 1 xe múc có người trông coi. Khu vực khai thác có diện tích khoảng 3,5ha, đất đá thải gây lấp lòng suối kề bên; có dấu hiệu sử dụng vật liệu nổ để phá đá. Từ ngày 20 đến 28/10/2013, ông Yên đã thuê xe múc của ông Phạm Văn Hoàng ở TP Quy Nhơn (Bình Định) đến khu vực trên tự ý khai thác 32 tấn đá thì bị phát hiện. Theo Sở TN-MT, trước đó, ngày 7/8, UBND xã Đa Lộc cũng đã lập biên bản yêu cầu ông Yên tạm ngưng hoạt động san lấp đất sản xuất, không được tận thu đá, nhưng lại không thu hồi đơn xin phép cải tạo đất đã ký. Đến ngày 10/8, các ngành chức năng của huyện Đồng Xuân kiểm tra, phát hiện ông Yên tiếp tục mua bán, vận chuyển đá trái phép và đề nghị UBND huyện ra quyết định xử phạt 3,5 triệu đồng, đồng thời tịch thu 3m3 đá granit tại hiện trường. Lúc này ông Yên mới xuất trình đơn xin cải tạo đất được lãnh đạo UBND xã Đa Lộc xác nhận, sau đó đơn này mới được các ngành chức năng thu hồi.
Ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, hành vi khai thác đá ốp lát của ông Yên là sai với quy định của pháp luật, đã bị xử phạt 40 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu chậm nhất đến ngày 30/11/2013. UBND xã Đa Lộc đã thiếu kiểm tra thường xuyên và xử lý vụ việc chưa cương quyết. Ông Lộc đề nghị UBND huyện Đồng Xuân chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn theo Chỉ thị số 14, ngày 31/5/2013 của UBND tỉnh; yêu cầu ông Yên khơi thông lại lòng suối bị bồi lấp.
Mới đây, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cũng đã yêu cầu UBND huyện Đồng Xuân và Sở TN-MT, ngoài việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, yêu cầu đối tượng phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu, chỉ đạo UBND xã Đa Lộc tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản trong nhân dân và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ông Cao Thanh Lương, Trưởng phòng TN-MT huyện Đồng Xuân cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra thực tế, lập biên bản, yêu cầu ông Yên đưa phương tiện khai thác đá trái phép ra khỏi hiện trường; đồng thời khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Nếu ông Yên không chấp hành, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. |
NHÓM PV KINH TẾ