Sau 23 năm hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Phú Yên hiện đang chiếm khoảng 40% thị phần tín dụng tại tỉnh, trong đó, chiếm 80-100% tín dụng tại nhiều khu vực nông thôn. Đây là con số hết sức ý nghĩa ở một tỉnh đang có trên 80% dân số làm nông nghiệp…
Cha con ông Nguyễn Thành Nhơn ở xã Xuân Thịnh (Sông Cầu) đang thu hoạch tôm hùm - Ảnh: H.PHIÊN
Ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Agribank Phú Yên nhớ lại những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi làm ở Phòng Giao dịch Agribank La Hai (Đồng Xuân): “Hồi đó, anh em cho vay vốn nông nghiệp phát triển nông thôn ở huyện miền núi này đều đi xe đạp và cuốc bộ. Mùa mưa thì lầy lội, sông suối cắt đường dày đặc, đi bộ nhanh và khỏe hơn đạp xe, bởi khỏi phải vác “ngựa”. Chúng tôi cuốc bộ, đi về trong ngày từ thị trấn La Hai đến xã Xuân Lãnh (khoảng 10km), là chuyện bình thường. Giờ nghĩ lại mới thấy vất vả, chứ lúc ấy khí thế lắm, nhất là vào vụ thu hoạch sắn, mía… nhân công từ các nơi về làm thuê đông vui như hội; bà con miền núi khi đó thu nhập cao hơn đồng bằng… xa lắc. Anh em bám địa bàn kỹ lắm, có đồng vốn kịp thời nên nông dân mới dám đầu tư làm ăn theo kiểu kinh doanh và khá lên trông thấy”.
Ông Ma Hoa người Ba Na, một nông dân triệu phú từ trồng sắn và nuôi bò đàn ở buôn Da Dù, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân), cho biết: “20 năm trước, hồi mới lấy vợ, gia đình tui bữa đói bữa no. Nhờ Hội Nông dân địa phương và Chi nhánh Agribank huyện hướng dẫn vay vốn ưu đãi, tui đầu tư mở rộng dần diện tích sắn và đàn bò thịt. Từ “đáo hạn, gối đầu” vài triệu, có lúc gia đình tui vay Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT hàng trăm triệu đồng để chủ động trong khâu đầu tư, thu hoạch và lựa chọn nơi bán sản phẩm có lãi cao. Nay tui mua xe tải để vừa phục vụ sản xuất vừa chạy dịch vụ trong vùng. Lúc này, thu nhập mỗi năm của gia đình trên 300 triệu đồng”.
Bên cảng Tuy Hòa, hình ảnh chủ tàu “bò gù” Phạm Đạn (Phó lạch Phú Câu) tay bắt mặt mừng với bà Nguyễn Thị Kim Hằng (Phó phòng Tín dụng Agribank Phú Yên), ai nhìn cũng xúc động. Họ đã biết nhau từ những ngày bà Hằng còn làm cán bộ cho vay phụ trách khu vực phường 6, TX Tuy Hòa (cũ). Lúc ấy, đánh bắt xa bờ với đối tượng là cá bò gù mới manh nha trong cả nước. Nhiều ngư dân rất háo hức “âm mưu” làm ăn lớn nhưng vốn liếng trong nhà “trống trơn”; thế là chủ trương cho vay đánh bắt xa bờ đã gặp gỡ, thổi bùng lên ngọn lửa chinh phục khơi xa… Ông Phạm Đạn hiện đã “giao tay lái” cho con cháu và đang làm Phó lạch Phú Câu (Tuy Hòa), hỗ trợ dịch vụ cho tàu xa bờ. Theo ông Phạm Đạn, nếu không có chính sách ưu đãi cho vay đánh bắt xa bờ và sự tín chấp tận tình của Hội Nông dân thì không thể có đội tàu câu cá ngừ đại dương hùng mạnh, hàng mấy trăm chiếc “chinh phạt” khắp “hang cùng, ngõ hẻm” biển Đông như lúc này. Nhiều gia đình ngư dân đầu tư tàu công suất lớn đánh “bò gù” đang có mức thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Có gia đình sở hữu cùng lúc 3 đến 5 tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Nhiều gia đình từ vay vốn tín chấp mà thoát nghèo nên cơ nghiệp, hiện chỉ vay “chút đỉnh” trong những đợt đầu tư lớn.
Ngoài tập trung vốn cho đánh bắt xa bờ, nghề nuôi tôm hùm lồng của Phú Yên cũng đang “ngốn” lượng vốn lớn từ ngân hàng, tập trung tại “thủ đô tôm hùm” khu vực đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ông Nguyễn Thành Nhơn (45 tuổi), một triệu phú ở xã Xuân Thịnh (Sông Cầu) cho hay: Ông gầy dựng nghề tôm hùm từ năm 1996, thế rồi trắng tay vì cơn bão số 8 năm 2001. Năm 2005, với quyết tâm tiếp tục làm giàu, ông được Agribank Sông Cầu và Hội Nông dân thị xã tín chấp cho vay 30 triệu đồng, góp cùng vốn gia đình để nuôi thả lại 17 lồng tôm hùm. Ngay năm sau (2006), ông Nhơn xuất bán, trừ chi phí, lãi 200 triệu đồng. Tiếp tục đáo hạn, tăng lượng vốn vay ngân hàng để đầu tư mở rộng, đến năm 2009, gia đình ông Nhơn thu lãi ròng 2,2 tỉ đồng từ bán tôm hùm thịt. Năm 2011, ông tiếp tục “gặt” lãi ròng 1,5 tỉ đồng. Lúc này, tài sản ông đang “ngâm” dưới biển ước khoảng 5-6 tỉ đồng. Gia đình ông hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với tiền công 3 triệu đồng/người/tháng.
HÙNG PHIÊN