Xã Sơn Thành Tây có 7 thôn với 1.211 hộ, trong đó có 74 hộ là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Ba Na, H’Roi, Ê Đê, Mường, Tà Oi… được thụ hưởng Chương trình 134 của Chính phủ. Từ nguồn vốn của chương trình và các nguồn vốn khác, tỉnh vừa đầu tư nâng cấp kéo hệ thống nước sinh hoạt về thôn Đá Mài nhằm cải thiện cuộc sống người dân. Dù vậy, hiện một số hộ dân ở đây vẫn thiếu đất sản xuất, trong khi xã không có quỹ đất dự phòng để cấp cho họ.
Khu đất bằng phẳng ở thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây thuận lợi cho bà con cải tạo làm lúa nước - Ảnh: H.NAM
Năm 2004, nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc vào định canh, định cư ở thôn Lạc Đạo và Đá Mài của xã Sơn Thành Tây. Sau đó xã tiến hành đo đạt, kiểm tra thì phát hiện có 20 hộ thiếu đất sản xuất, vì vậy xã lập đề án trình các cấp, ngành của tỉnh thu hồi 20ha đất trồng bạch đàn tại thôn Lạc Đạo do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch quản lý để cấp cho các hộ sản xuất.
Tuy nhiên, từ đó đến nay việc thu hồi đất vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do vào thời điểm đó Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch đưa ra mức bồi thường 500 triệu đồng/ha, trong khi theo quy định của Chính phủ, định mức hỗ trợ cho mỗi hécta đất sản xuất khi thu hồi chỉ 5 triệu đồng.
Do thiếu đất sản xuất, nhiều hộ đã lén lút phá rừng để làm rẫy. Mỗi năm, xã Sơn Thành Tây kiểm tra, lập biên bản gần 20 vụ phá rừng. Ông Trần Đức Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây cho hay, tình trạng người dân phá rừng làm rẫy diễn ra khá phức tạp. Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, truy bắt các đối tượng lấn chiếm đất tại các khu rừng Hòn Ngang, Hòn Hiền, núi Mái Nhà. Khi phát hiện, các đối tượng này không chịu ký vào biên bản, nên hiện nay xã còn tồn 274 biên bản chưa giải quyết được.
Năm 2008, cũng trên địa bàn xã Sơn Thành Tây, Công ty cổ phần VRG Phú Yên thực hiện dự án trồng cao su trên 111ha đất thu hồi đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch. Trong số đó có gần 40ha đất bằng phẳng, gần khu dân cư, có đường giao thông và gần sông Nhau nên rất thuận lợi cho bà con khai phá trồng lúa nước. Trước khi bàn giao, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch cũng kiến nghị giữ lại 40ha đất này để xã Sơn Thành Tây cấp cho các hộ không có đất sản xuất. Thế nhưng kiến nghị này không được các ngành chức năng của tỉnh giải quyết. Ông Lê Thanh Đoạt, Trưởng thôn Lạc Đạo phân trần: “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các hộ thiếu đất sản xuất ở đây phản ảnh rất mong muốn có đất để trồng lúa nước, ổn định cuộc sống, nhưng chưa được giải quyết”.
Để người dân có đất sản xuất, xã Sơn Thành Tây tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng thu hồi đất do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch quản lý và Sở NN-PTNT cũng đã về khảo sát thực địa. Ông Trần Đức Hòa cho biết thêm: Sau khi khảo sát, ngành chức năng của tỉnh đã đồng ý cấp đất sản xuất cho người dân. Xã đang tiến hành đo đạt, kiểm tra lại để có phương án hỗ trợ cho phù hợp. Trong năm 2014, xã sẽ giao đất cho các hộ để sản xuất.
LÊ TRÂM