Mùa mưa lũ, nước từ các cánh đồng đổ về đầm Ô Loan (Tuy An) nhiều làm cho nước trong đầm đục ngầu, người dân quanh vùng gọi đây là mùa nước ói. Lịch huyết sống trong đầm bị sốc nước ngọt, trồi đầu lên. Lúc này người dân sống ven đầm bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) đi đóng chấn, chong đèn dầu bắt lịch huyết.
Bơi sõng ra đầm Ô Loan bắt lịch huyết - Ảnh: H.NAM
Mưa to, nước ở đầm Ô Loan ngấp nghé bờ. Chập tối ông Võ Văn Hải (38 tuổi, ở xã An Cư) mang đèn dầu, tấm chấn… bơi sõng ra giữa đầm đóng chấn. Một tấm chấn cắm 3 cây sào, 2 cây cắm ở miệng chấn và 1 cây cắm ở yếm chấn (rốn chấn). Trên cây sào cắm yếm chấn treo cây đèn dầu, gọi là đèn chấn. Gần 2 giờ đồng hồ ông Hải đóng xong 10 chấn rồi bơi sõng vào bờ. Pha bình trà đặc, ông Hải ngồi trên bộ phản gỗ trước hiên nhà, nhâm nhi ly trà và thổ lộ bí quyết bắt lịch huyết. Ô Loan là đầm nước lợ, khi mưa to nước lũ đổ về nhiều, lịch huyết không chịu nổi nước ngọt nên trồi đầu lên. Ông Hải cho hay, đèn chấn là dùng đèn dầu đặt lên trên tấm gỗ nhỏ, lấy chai nhựa cắt bỏ phần đuôi chai đậy đèn lại cho khỏi tắt. Từ miếng gỗ uốn một vòng sắt theo chiều cao của chai vừa giữ chai đứng vừa làm quai treo, phía trên quai dùng tấm tôn mỏng lận vào vòng sắt trên cổ chai. Tấm tôn có tác dụng ngăn nước mưa, chắn gió lọt vào và có công dụng làm chá chèn chiếu ngược ánh sáng xuống đầm. Thấy ánh sáng ngọn đèn dầu, lịch huyết bơi đến.
Cũng theo ông Hải, đặc điểm của lịch huyết là di chuyển vào ban đêm, còn ban ngày nằm yên một chỗ. Giữa không gian tối om, lại sống trong môi trường nước ói đang cay mắt nên lịch huyết tìm đến chỗ có ánh sáng… Lịch huyết sống trong hang, duỗi dưới lớp bùn non ăn mồi chìm, vì thế không có mùa nước ói thì không tài nào bắt được lịch huyết! Một đêm đi thăm chấn 2 lần, đầu hôm khoảng 20 giờ và mờ sáng hôm sau thăm chấn lần nữa rồi về chở lịch huyết đi bán. Một ký lịch huyết bán 200.000 đồng, mỗi đêm một người có thể bắt gần 1kg lịch huyết.
Vừa đi bán lịch huyết về, ông Trần Thơ ở xã An Hải cho biết: Cách đây 7 năm, đến mùa nước ói là cá tôm không chịu nổi nước lũ nên bơi từng đàn. Người dân ở 5 xã ven đầm Ô Loan đánh bắt được nhiều tôm, cá và có thu nhập cao. Hồi cá tôm còn nhiều, người dân làm ăn cả năm, cũng nhờ vậy mà từ cái nhỏ nhất như mua quyển vở, cây viết cho con đi học đến cái lớn hơn là mua cái tủ, cái bàn, thậm chí có người sắm vàng cũng nhờ nguồn lợi thủy sản từ đầm mà ra. Còn nay, do đầm Ô Loan bị ô nhiễm, tôm, cá, sò huyết cạn kiệt, nhiều người sinh sống bằng nghề đánh bắt trên đầm phải chuyển sang mưu sinh bằng các nghề khác. “May mà còn có lịch huyết sống dưới bùn còn sống sót nên nhiều hộ có thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình”, ông Thơ nói.
Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Năm vừa qua do không có lũ lớn, cửa biển An Hải (nơi đầm tiếp giáp với biển) không mở nên nước trong đầm không thoát được. Hiện đã có dự án khai thông cửa đầm do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư và đang chờ triển khai. Chúng tôi đang cố tham gia thúc đẩy dự án này để trả lại môi trường nước đầm trong sạch”.
Ông Trương Văn Tuấn (ở xã An Cư), một người chuyên đi mua lịch huyết cho biết: Khác với lịch đen, lịch huyết có màu nâu đỏ. Lịch huyết gần giống như con lươn, chỉ nhỏ bằng ngón tay út, dài từ 20 đến 39cm, sống ở nước lợ. Thịt lịch huyết béo và rất bổ dưỡng, nhất là bổ máu nên có nhiều người hỏi mua”.
MẠNH HOÀI NAM