Nguồn vốn hoạt động hạn chế nhưng sản phẩm của Tổ hợp tác Gỗ mỹ nghệ Hồng Quang (THT Hồng Quang) ở thị trấn La Hai (Đồng Xuân) vẫn có giá trị kinh tế cao nhờ vào sự độc đáo trong tạo hình tác phẩm và kỹ thuật chế tác.
Nhờ giải pháp mũi khoan dẹt mà những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của THT Hồng Quang (Đồng Xuân) có tính ứng dụng cao - Ảnh: M.DUYÊN
Ra đời từ năm 1985 với 4 thành viên, THT Hồng Quang hoạt động về xẻ gỗ, chế biến và kinh doanh gỗ. Đến nay, THT Hồng Quang chuyên làm hàng gỗ mỹ nghệ. Ông Võ Hùng Tiến, tổ trưởng THT Hồng Quang cho biết: Năm 1993, THT Hồng Quang gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ giải thể do không có vốn, trong khi đó kinh doanh và chế biến gỗ đòi hỏi vốn lớn, còn xẻ gỗ thuê cho dân thì chỉ lấy công làm vốn, không thể phát triển được. Để THT phát triển, con đường duy nhất là làm ra những sản phẩm gỗ mỹ nghệ độc đáo mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Tôi và các thành viên sáng lập tiến hành mua lại phần gốc và phần gỗ vụn tạp trong dân với giá rẻ, rồi về chế tác tạo hình, biến những thứ vô tri đó thành tác phẩm nghệ thuật. Nhờ không ngừng học hỏi sáng tạo, đến năm 2005, sản phẩm bình hoa bằng gỗ trắc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng độc quyền về kiểu dáng công nghiệp. Mỗi gốc trắc có chiều cao từ 30cm đến 40cm và chiều rộng từ 9cm đến 11cm mua của người đi rừng với giá từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng. Khi hoàn thành một chiếc bình hoa, chúng tôi bán được từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng”.
Tiếp tục tìm tòi sáng tạo, đến nay THT Hồng Quang đã cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật khó hơn, có giá trị cao hơn từ gỗ gồm bộ bàn ghế trang điểm, ghế dựa, sơn nữ bên suối... Trên thị trường, những sản phẩm thuộc hàng mỹ nghệ cao cấp này có nhãn hiệu hàng hóa độc quyền. Tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 4, Tổ trưởng THT Hồng Quang, ông Võ Hùng Tiến đã đoạt giải khuyến khích cho giải pháp sáng chế cơ khí, máy tiện, khoan lỗ kết hợp. “Từ mũi khoan truyền thống, tôi đã cải tiến thành mũi khoan dẹt, khắc phục những hạn chế ở mũi khoan tròn; từ đó giảm được tiêu hao điện, không cần máy có mô tơ lớn cũng như tạo ra độ bén, khắc phục lực ma sát lên sản phẩm”, ông Tiến chia sẻ. Nhờ có sự tìm tòi cải tiến này mà những sản phẩm mỹ nghệ của THT Hồng Quang không chỉ đẹp về hình thức, tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn có tính ứng dụng cao trong thực tế.
Hàng năm, THT Hồng Quang còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) đào tạo cho 70 lao động địa phương. “Sau khi học xong, tôi đã mở được xưởng riêng, cho thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm”, anh Nguyễn Hải Nam, từng là học viên của THT Hồng Quang cho biết.
Ông Phạm Trọng Yêm, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhận xét: Bằng trí tuệ và sự sáng tạo của từng cá nhân, THT Gỗ mỹ nghệ Hồng Quang đã khắc phục được khó khăn lớn nhất là thiếu vốn. Tuy nhiên, để THT lớn mạnh, những sáng lập viên cần đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, có chính sách ưu đãi để “giữ chân” những lao động giỏi tay nghề, đã được THT đào tạo.
BẠCH VÂN